Từ góc nhìn của Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo BĐS: “Chuyên nghiệp” trong môi giới BĐS

Khi tham gia vào lĩnh vực môi giới bất động sản, nhiều các doanh nghiệp và cá nhân lựa chọn tiêu chí chuyên nghiệp để làm giá trị cốt lõi cho mình. Song trên thực tế vẫn có không ít các tổ chức, cá nhân chưa hiểu biết đầy đủ và chưa thực hành tốt giá trị này.

Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Bất động sản

Các thước đo và chuẩn mực để làm cơ sở đánh giá như thế nào là chuyên nghiệp hiện nay cũng còn khá mơ hồ. Dưới quan điểm cá nhân, tôi xin có chia sẻ đơn giản “chuyên nghiệp = chuyên + nghiệp”.

Một người chuyên nghiệp trước tiên họ phải là chuyên gia ở công việc họ đang làm, tức là có nền tảng kiến thức chuyên môn uyên thâm trong công việc và các lĩnh vực có liên quan. Họ phải thành thạo các kỹ năng để hoàn thành công việc với tiêu chuẩn cao nhất.

Kế đến, họ phải có thái độ và tư duy rõ ràng, nhất quán; phải coi việc đang làm là nghề nghiệp có tính chất lâu dài, xa hơn nữa là một sự nghiệp vẻ vang, có nhiều cống hiến và mang lại giá trị cho nhiều người và cho xã hội chứ không đơn thuần là công việc để có thu nhập qua ngày.

Một môi giới bất động sản được gọi là chuyên nghiệp khi yêu nghề, luôn nêu cao tinh thần “phụng sự” khách hàng, quan tâm đến lợi ích cộng đồng, lợi ích xã hội; luôn học hỏi để nâng cao trình độ kiến thức, bao gồm kiến thức về pháp lý, quy hoạch, xây dựng, định giá, đầu tư, kinh tế vĩ mô, phong thủy, marketing, các xu hướng, trào lưu trên xã hội,…

Người đó phải không ngừng học tập, trau dồi các kỹ năng như giao tiếp, đàm phán, thương lượng, bán hàng, làm việc nhóm, các kỹ năng lãnh đạo, quản lý, xây dựng thương hiệu… để hướng đến mục tiêu đạt được những thành tựu cao trong lĩnh vực bất động sản.

Thông thường, để trở thành một chuyên gia, một người chuyên nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đòi hỏi bạn phải trải qua ít nhất ba năm học tập và rèn luyện không ngừng.

Đối với các nhà môi giới bất động sản chuyên nghiệp, thị trường vào giai đoạn đóng băng thực sự mang lại nhiều cơ hội cho họ vì một số lý do sau:

Thứ nhất, thị trường tự động thanh lọc và loại bỏ đến 80% môi giới làm ăn chụp giật. Điều này giúp cho họ giảm đi rất nhiều đối thủ cạnh tranh.

Thứ hai, đây là giai đoạn thị trường của người mua chiếm ưu thế. Ở thị trường bất động sản Việt Nam, hoa hồng môi giới thường do bên bán chi trả. Lúc này, người bán cần môi giới hơn bất cứ lúc nào. Vì thế, các nhà môi giới sẽ được tôn trọng hơn và dễ dàng đàm phán mức phí cao, yếu tố họ khó có được trong giai đoạn sốt nóng của thị trường.

Thứ ba, công tác tuyển dụng sẽ dễ dàng hơn; nhân sự chất lượng hơn với một chi phí ít hơn.

Thứ tư, nhà môi giới bất động sản chuyên nghiệp dễ dàng xây dựng được uy tín, tạo lập thương hiệu, sẽ tự tin hơn khi giới thiệu cho người mua. Trong dài hạn, giá trị tài sản sẽ gia tăng, người mua được lợi và sẽ biết ơn nhà môi giới, sẽ giới thiệu cho người quen. Đây là cách xây dựng thương hiệu tốt nhất trong lĩnh vực bất động sản.

Còn với người bán, những lúc như thế này được môi giới tham gia hỗ trợ và bán được hàng là điều may mắn. Còn gì vui hơn khi tạo lập được giá trị và mang lại niềm vui cho khách hàng mà bản thân mình cũng có được nhiều lợi ích?

Tóm lại, các nhà môi giới chuyên nghiệp sẽ luôn tìm thấy cơ hội trong nguy cơ, luôn tích cực tìm kiếm giải pháp và hướng đến sự phát triển lâu dài.

Từ kinh nghiệm làm việc của bản thân, tôi nhận ra rằng: khi thực sự tâm huyết với nghề, luôn học hỏi nâng cao trình độ năng lực để mang lại giá trị thực sự cho khách hàng, quan tâm đến các giao dịch của khách hàng như chính bản thân mình thì thành công sẽ đến với các nhà môi giới, bất chấp tình trạng thị trường có ra sao.

Những lúc trầm lắng như thế này là thị trường của những người có nhu cầu ở thực sự và của những nhà đầu tư chuyên nghiệp.