Toàn cảnh bất động sản ĐBSCL năm 2020

Năm 2020, GDP của Việt Nam tăng 2,91%, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội thì đây là thành công lớn của Việt Nam. Mức tăng trưởng năm 2020 của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới, cho thấy sự thành công của Việt Nam trong công cuộc phòng chống dịch và tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là tiền đề quan trọng cho mục tiêu tăng trưởng dự báo từ 6% tới 11,2% trong năm 2021.

Sau thành công của kết quả chống dịch, đồng thời Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ 1/8/2020 đã giúp Việt Nam có thêm nhiều cơ hội, thu hút nguồn vốn FDI trong bối cảnh các tập đoàn đa quốc gia đang tìm kiếm những điểm đến an toàn để thiết lập lại cơ sở sản xuất sau đại dịch Covid – 19.

Cũng trong thời điểm dịch Covid diễn biến phức tạp, giá vàng tăng kỷ lục trong vòng 10 năm. Chứng khoán 3 tháng đầu năm giảm sâu, 9 tháng sau lại có sự hồi phục ngoạn mục. Bất động sản rơi vào trầm lắng nhưng vẫn khả quan khi tỉ lệ hấp thụ đạt con số khá khiêm tốn 57%.

Cả nước cũng có vùng giao dịch nổi bật, miền Bắc có Quảng Ninh, Hải Phòng,… Miền Trung có Thanh Hóa, Nghệ An,… Đông Nam Bộ có Bình Dương, Đồng Nai,… Còn miền Tây có Long An, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang…

Riêng khu vực Tây Nam Bộ, ghi nhận hoạt động BĐS sôi nổi với sự hiện diện của nhiều nhà đầu tư trên cả nước bên cạnh các chủ đầu tư địa phương, có thể kể đến: Nam Long, Hoàng Quân, CEO Group, Novaland, SunGroup, Văn Phú, KITA, Sao Mai, T&T, Đất Xanh, Hồng Loan, Hồng Phát, Vạn Phát…

Trong báo cáo mới đây tại Hiệp hội BĐS Cần Thơ, ông Dương Quốc Thủy – Phó Chủ tịch cho biết “Về cấu trúc sản phẩm sẽ ngày càng đa dạng, nếu trước đây các dự án BĐS tại miền Tây không chú trọng nhiều những dự án đa dạng về tiện ích thì hiện nay câu chuyện đã hoàn toàn khác. Hiện nay và sắp tới sẽ có rất nhiều nhà đầu tư phát triển các khu đô thị lớn, thông minh, đa dạng tiện ích, xây dựng hệ sinh thái hoàn thiện để giải quyết nhu cầu nhà ở ngày càng cao của cư dân miền Tây. Trong đó, mô hình chung cư, căn hộ thương mại dịch vụ được dự đoán sẽ ngày càng gia tăng ở khu vực miền Tây từ năm 2021”.

Ông Dương Quốc Thủy – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Cần Thơ cho rằng cấu trúc sản phẩm sẽ đa dạng hơn trong năm 2021

Đại diện CaREA cũng cho rằng, trong năm 2021, thị trường Tây Nam Bộ dự kiến có khoảng trên 10.000 sản phẩm tung ra thị trường và mức giá dự báo tăng từ 15%- 20% là kịch bản rất dễ xảy ra trong bối cảnh, ĐBSCL đang đón nhận rất nhiều gói đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông mang tầm vĩ mô, gắn liền với quy hoạch vùng ĐBSCL và TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050.

ĐBSCL hiện đang có 13 dự án liên kết vùng, tổng mức đầu tư 26.731 tỷ đồng; 7 tuyến cao tốc (CT) trục dọc ngang với tổng chiều dài gần 1.000km, tiêu biểu như CT Bắc Nam phía Đông, CT Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, CT Cần Thơ – Cà Mau và dự án đường sắt Sài Gòn – Cần Thơ sẽ là đòn bẫy đưa nhà đầu tư đến ĐBSCL trong năm 2021.

7 tuyến cao tốc miền Tây. Ảnh: sưu tầm

Theo đó, thị trường Cần Thơ trong năm 2020 cũng trên đà tăng trưởng nhờ vào hạ tầng hoàn thiện. Thành phố không có nhiều dự án cung cấp ra thị trường, nguồn cung vẫn khan hiếm, một số dự án tiêu biểu tại Cần Thơ có thể kể tên Stella Mega City, KĐT Cửu Long, ĐH Y dược mở rộng, KDC Phước Thới, KĐT An Bình, KĐT thông minh Thành Đô, khu biệt thự Hưng Lợi.

Đáng chú ý, khu vực Bình Thủy cũng sẽ đón nhận mặt bằng giá mới khi quy hoạch đến 2030 trở thành đô thị trung tâm TP Cần Thơ. Quận Ô Môn cũng có tin tốt khi đón nhận dự án FDI 1,3 tỷ USD lớn nhất từ trước đến nay đó là Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II. Quy hoạch đến 2030 quận Ô Môn sẽ phát triển thành 3 phân khu đô thị: Vùng 1 vùng phát triển đô thị trung tâm (đô thị Ô Môn 1). Vùng 2: vùng phát triển đô thị – công nghiệp (đô thị Ô Môn 2). Vùng 3: vùng phát triển nông nghiệp đô thị gắn với các khu dân cư mật độ thấp kết hợp du lịch sinh thái…