404: Not Found Tiềm năng và cơ hội đầu tư phát triển vào lĩnh vực đô thị tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030 - HIỆP HỘI BẤT ĐỘNG SẢN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Tiềm năng và cơ hội đầu tư phát triển vào lĩnh vực đô thị tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030

Tại Hội thảo “Tiềm năng và cơ hội đầu tư phát triển vào lĩnh vực đô thị tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030” diễn ra vào ngày 15/7/2022 tại Hậu Giang vừa qua, Ông Phạm Văn Luận – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản TP. Cần Thơ đã có bài tham luận đóng góp ý kiến.

Nhận định chung về tiềm năng thị trường BĐS khu vực Tây Nam bộ

Sức nóng của thị trường Bất động sản Tây Nam bộ được “kích hoạt” kể từ năm 2014 với một số dự án nghỉ dưỡng tại Phú Quốc (Kiên Giang), từ năm 2017 – 2018, làn sóng đầu tư bắt đầu lan sang các tỉnh, thành khác như: Cần Thơ, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang…Giai đoạn 5 năm qua, thị trường đón nhận nhiều chuyển biến, đáng chú ý nhất đó chính là khu vực Tây Nam bộ ngày càng thu hút các tập đoàn lớn, không chỉ doanh nghiệp bất động sản mà cả những tập đoàn đa ngành như: Sovico, Hòa Phát, T&T, Tân Á Đại Thành…cũng đã đặt dấu chân đến ĐB.SCL để tìm hiểu các cơ hội đầu tư phát triển dự án bất động sản. Thêm vào đó, các Sàn giao dịch cũng xuất hiện nhiều hơn, đội ngũ môi giới ngày càng đông đảo, chuyên nghiệp hơn, chính là cầu nối để mời gọi nhà đầu tư cả nước về với thị trường này.

Nếu so với các vùng kinh tế trọng điểm như Bắc bộ hay Đông Nam bộ thì miền Tây Nam bộ còn rất nhiều dư địa để phát triển bất động sản, cả về quỹ đất, nguồn cung, gia tăng giá trị và sự đa dạng các loại hình sản phẩm. Quỹ đất rộng tạo điều kiện để phát triển các dự án đại đô thị quy mô lớn; tính đặc trưng sông nước phù hợp với loại hình bất động sản du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa thúc đẩy bất động sản công nghiệp phát triển; ngoài ra sản phẩm căn hộ chung cư giá rẻ, nếu như đã biến mất khỏi các thị trường lớn như: TPHCM, Hà Nội, thì miền Tây chính là nơi còn rất nhiều cơ hội để phát triển phân khúc này.

Dựa trên thế mạnh về kinh tế biển, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến xuất khẩu thủy hải sản và tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo…ĐB.SCL ngày càng thu hút đầu tư FDI trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt 2 năm gần đây liên tục đứng đầu cả nước về quy mô vốn đầu tư, điển hình vào các dự án nhà máy nhiệt điện, nhà máy điện khí LNG…; đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào các dự án cảng biển, trung tâm logistics hàng không…tạo điều kiện cho các lĩnh vực phụ trợ phát triển, cụ thể là bất động sản khu công nghiệp và các dự án nhà ở gần khu công nghiệp phục vụ nhu cầu lưu trú, nhà ở cho công nhân, người lao động.

Bên cạnh nội lực để phát triển, vùng ĐB.SCL đang nhận được sự quan tâm của Chính phủ trong việc quy hoạch phát triển. Ngày 28/2/2022 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch vùng Tây Nam bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu trở thành vùng kinh tế có tốc độ phát triển khá so với cả nước, là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư và là nơi đáng sống của người dân.

Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về Phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều giải pháp thúc đẩy Tây Nam bộ vươn lên mạnh mẽ. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, khu vực ĐB.SCL sẽ đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường cao tốc, khoảng 4.000 km đường quốc lộ; 4 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đã hoàn thành 5 quy hoạch chuyên ngành, phát triển giao thông kết nối từ Tây Nam bộ đến TP.HCM thông qua các tuyến cao tốc, tuyến đường thủy giúp cho việc đi lại thuận lợi hơn, phát triển tiềm năng lợi thế của vùng. Cụ thể đã chính thức đưa vào hoạt động cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, đến năm 2023 sẽ hoàn thành toàn tuyến Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ. Hiện nay, Bộ GTVT đang triển khai 3 cao tốc lớn và rất quan trọng là: Cần Thơ – Cà Mau, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, hoàn chỉnh đường cao tốc từ An Hữu qua Cao Lãnh về Rạch Giá. Trong nhiệm kỳ này, nếu quyết tâm cao, phối hợp tốt sẽ hoàn thành được khoảng 448 km đường cao tốc kết nối vùng ĐB.SCL.

Hạ tầng giao thông liên kết vùng được hoàn thiện thì chắc chắn bất động sản Tây Nam bộ sẽ còn phát triển nhanh hơn nữa trong thời gian tới. Mức giá bất động sản tại các tỉnh có cao tốc đi qua cũng sẽ tăng tưởng, trong đó có Hậu Giang. Cơ sở cho điều này có thể so sánh thời điểm cách đây 3 năm: Một số dự án tại Hậu Giang đến nay đã tăng gấp 2 lần. Cụ thể với một vài dự án đất nền ở Châu Thành và Châu Thành A, thời điểm 2018 chỉ khoảng 6 – 7 triệu/m2 thì nay đã tăng lên 11 – 15 triệu/m2.

Còn xét về nguồn cung, những năm 2017 – 2018 thị trường không có nhiều dự án mới, nhưng 3 năm trở lại đây, nguồn cung dồi dào hơn với khoảng 5.000 – 8.000 sản phẩm mới cung cấp ra thị trường mỗi năm, xuất phát từ chính sách thu hút đầu tư của các tỉnh, thành ngày càng rộng mở; thủ tục hành chính được cải cách nhanh hơn, gọn nhẹ và linh hoạt hơn; bên cạnh đó nhiều chủ đầu tư lớn tại TPHCM và Hà Nội đã bỏ vốn đầu tư chỉnh trang, phát triển các dự án cũ và mới, đóng góp nguồn cung đa dạng cho thị trường.

Đến nay, toàn khu vực có khoảng 60 dự án đang chào bán ra thị trường, riêng tại Hậu Giang có 9 dự án với khoảng gần 7.000 sản phẩm. Năm 2021, tỉnh bổ sung 12 dự án khu đô thị, nhà ở vào kế hoạch sử dụng đất. Trong danh mục các dự án mời gọi chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh hiện nay có 89 dự án phát triển nhà ở (khoảng 1.944ha) đã được UBND tỉnh thống nhất cho các chủ đầu tư tài trợ kinh phí lập đồ án quy hoạch, để hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư. Đến nay, đã lựa chọn được chủ đầu tư 10 dự án, đang đăng tải mời gọi nhà đầu tư 08 dự án; 36 dự án đã lập xong đồ án quy hoạch chi tiết, 20 dự án đang khảo sát lập quy hoạch và 14 dự án tiếp tục mời gọi tài trợ kinh phí lập quy hoạch. Trong các dự án trên, ưu tiên phát triển các dự án tại 03 đô thị lớn của tỉnh là thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ. Qua quá trình quảng bá mời gọi đầu tư các dự án phát triển nhà ở, đã thu hút được nhiều nhà đầu tư có tiềm lực quan tâm như: Tập đoàn Đất Xanh, Tập đoàn FLC, Tập Đoàn Sao Mai, Tập đoàn TNG HOLDINGS Việt Nam, Tập đoàn DIC, Địa ốc Cát Tường, Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc, Công ty Phát triển dự án THD Việt Nam…

Tiềm năng, lợi thế phát triển BĐS Hậu Giang

Phát triển đô thị là một trong 4 trụ cột quan trọng (gồm công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch) được lãnh đạo tỉnh Hậu Giang tập trung ưu tiên phát triển, trong đó một số giải pháp được đẩy mạnh: hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; tạo quỹ đất sạch cho phát triển công nghiệp, đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cùng với đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo tốt công tác an sinh xã hội…

Về thủ tục hành chính: Với khẩu hiệu hành động “hai nhanh” là nhanh giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư và “ba tốt” là cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt, “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”, cho thấy tỉnh đã sẵn sàng hội nhập, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Giai đoạn 2025 – 2030, tỉnh Hậu Giang tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng kết nối vùng, kết nối vào hệ thống đường cao tốc quốc gia, kết nối với các khu, cụm công nghiệp. Xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, đầu tư các tuyến giao thông trọng yếu tại các đô thị, khu vực có tiềm năng, lợi thế để khai thác quỹ đất có hiệu quả. Về phát triển đô thị, tỉnh tiếp tục phát huy lợi thế gắn với công nghiệp ở huyện Châu Thành và Châu Thành A để khai thác yếu tố lan tỏa từ thành phố Cần Thơ…

Kể từ đầu năm 2021 đến nay, tỉnh Hậu Giang đã phê duyệt chấp thuận đầu tư nhiều dự án phát triển nhà ở đô thị trên địa bàn như: Dự án KĐT mới TX.Long Mỹ 2 vốn đầu tư dự kiến 265 tỉ đồng; dự án KĐT mới, khu vực 4, TP.Vị Thanh vốn đầu tư dự kiến 2.700 tỉ đồng; dự án KĐT mới số 4, TP.Ngã Bảy vốn đầu tư dự kiến 266 tỉ đồng; dự án KĐT mới số 3, Thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành vốn đầu tư dự kiến 450 tỉ đồng; chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện dự án KĐT mới khu vực 3, TP.Ngã Bảy vốn đầu tư 90 tỷ đồng; khởi công một dự án nhà ở, tổng mức đầu tư 1.260 tỷ đồng trong KCN Sông Hậu…

Mới đây, tỉnh vừa phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 cho 3 KĐT mới tại huyện Châu Thành trong năm 2022 gồm: KĐT mới và tái định cư KCN Sông Hậu – giai đoạn 2, diện tích 194,6ha; KĐT mới và Tái định cư KCN Đông Phú – giai đoạn 2, diện tích 142ha; KĐT mới sông Mái Dầm, diện tích 156ha…phê duyệt điều chỉnh cục bộ Đồ án quy hoạch chung xây dựng KĐT công nghiệp Sông Hậu, theo đó, điều chỉnh đất thể dục – thể thao (sân golf) và đất dự trữ phát triển công nghiệp thành đất ở, với tổng diện tích khoảng 250 ha…Điều đó cho thấy tinh thần của lãnh đạo tỉnh Hậu Giang rất quyết liệt và đồng bộ nhằm hiện thực hóa những mục tiêu đã đề ra.

Về cơ hội đầu tư trong thời gian tới

Chương trình phát triển nhà ở của tỉnh Hậu Giang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, chú trọng quy hoạch phát triển nhà ở dựa trên các tiêu chí: gia tăng tổng diện tích nhà ở của tỉnh, giai đoạn 2020 – 2025 đạt 3,28 triệu m² sàn; tăng tỷ lệ nhà ở kiên cố và bán kiên cố trên địa bàn tỉnh lên 84%. Giai đoạn đến năm 2030, tỉnh phấn đấu chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đạt 30 m²/người; tổng diện tích nhà ở tăng thêm đạt 3,79 triệu m² sàn; chỉ tiêu tỷ lệ nhà kiên cố và bán kiên cố đạt 88%.

Bên cạnh đó, vị trí chiến lược – vệ tinh giáp ranh với thành phố Cần Thơ đã mang đến nhiều cơ hội cho bất động sản Hậu Giang phát triển, nhất là đẩy mạnh phát triển công nghiệp như: huyện Châu Thành và Châu Thành A. Mục tiêu tỉnh đề ra trong 5 năm tới có tổng số 10 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, với tổng diện tích 548 ha. Đồng thời, cơ bản hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đạt 50% theo quy hoạch. Trong đó, huyện Châu Thành được quy hoạch trở thành huyện công nghiệp của tỉnh. Cùng với định hướng này thì chắc chắn tầm nhìn 5 – 10 năm, bất động sản công nghiệp tại Hậu Giang sẽ phát triển mạnh, bên cạnh đó là bất động sản nhà ở, đặc biệt phân khúc nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp cũng sẽ được chú ý đầu tư trong thời gian tới.

Riêng lĩnh vực đô thị tỉnh Hậu Giang phấn đấu tăng tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 32%, công nhận 3 thị trấn đạt đô thị loại V gồm: Tân Long – Phụng Hiệp; Xà Phiên – Long Mỹ và Đông Phú – Châu Thành. Theo đó, bất động sản đô thị cũng sẽ phát triển ở các khu vực vệ tinh. Hai năm gần đây, Hậu Giang đón nhiều doanh nghiệp lớn về khảo sát thực hiện đầu tư dự án có thể kể đến Tập đoàn Đất Xanh, Sao Mai, FLC, Cát Tường, DIC…chắc chắn 5 năm tới, số lượng các dự án nhà ở tại đây sẽ nở rộ. Bên cạnh đó, Hậu Giang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ: mở rộng, nâng cấp các tuyến quốc lộ kết nối liên tỉnh, hưởng lợi các tuyến cao tốc liên vùng như: Mỹ Thuận – Cần Thơ, Cần Thơ – Cà Mau và Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng nằm trong quy hoạch giai đoạn 2021-2025, thì tiềm năng phát triển bất động sản đô thị rất lớn. Đặc biệt là các dự án khu đô thị mới tại trung tâm TP Vị Thanh, các huyện vệ tinh; các dự án khu đô thị sinh thái ven sông, khu đô thị kết hợp du lịch nghỉ dưỡng và các dự án nhà ở dọc các tuyến đường mở mới.

Dù có nhiều tiềm năng và cơ hội nhưng bất động sản tỉnh Hậu Giang hiện nay giá vẫn còn “mềm” so với những nơi khác, khu vực cửa ngõ TP Vị Thanh có mức giá khoảng 19 triệu đồng/m2; một số dự án gần khu công nghiệp mức giá trên 10 triệu/m2, thấp hơn nhiều so với các thị trường lân cận. Đặc biệt, trước bối cảnh các đô thị lớn như Cần Thơ đã không còn sản phẩm giá rẻ, cho thấy bất động sản Hậu Giang còn nhiều dư địa và triển vọng để đầu tư.

Kiến nghị

ĐB.SCL liên tục trong 3 năm từ năm 2016 đến 2018, đứng đầu cả nước về chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), năm 2019 đứng vị trí thứ 2 sau khu vực Đồng bằng Bắc bộ, cho thấy khu vực đang tích cực cải thiện cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Tuy nhiên về thứ hạng PCI của từng địa phương trong vùng thì hiện tại tỉnh Hậu Giang cần cải thiên để tăng điểm số PCI.

Theo bảng xếp hạng PCI 2021, tỉnh Hậu Giang đạt 63.80 điểm, tăng 1 bậc so với năm 2020, xếp thứ 9 khu vực ĐB.SCL. Trong đó, các chỉ số thành phần ghi nhận sự cải thiện lớn nhất gồm: chỉ số gia nhập thị trường tăng 0.69 điểm; chỉ số tiếp cận đất đai tăng 0.36 điểm; chỉ số chi phí không chính thức tăng 0.14 điểm; chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tăng 1.72 điểm; chỉ số đào tạo lao động tăng 0.32 điểm. Tuy nhiên, tỉnh cần cải thiện một số chỉ số như: cần tăng cường sự công khai, minh bạch trong quy trình giải quyết thủ tục đầu tư, tạo sự hài lòng và an tâm đầu tư của doanh nghiệp đối với các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư. Các sở, ngành và địa phương chủ động phối hợp với nhà đầu tư đề xuất các giải pháp cho từng dự án, từng trường hợp cụ thể nhằm tháo gỡ kịp thời vướng mắc về thủ tục đất đai, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, định giá đất đóng thuế quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản khác gắn liền với đất, để không ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong bộ phận “một cửa”, cũng như việc giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện tốt công tác đối thoại, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, cải thiện hơn nữa các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc thù, tạo sức hút riêng của tỉnh trong hoạt động kêu gọi đầu tư BĐS…

Triển khai đồng bộ các giải pháp trên, chắc chắn tỉnh Hậu Giang sẽ còn thu hút mạnh hơn nữa các doanh nghiệp lớn về đầu tư phát triển kinh tế – xã hội địa phương, đặc biệt tiến độ triển khai các dự án nhà ở được tăng tốc thì diện mạo đô thị tỉnh Hậu Giang chắc chắn cũng sẽ khang trang, hiện đại hơn theo đúng định hướng phát triển của lãnh đạo tỉnh.

Trên đây, Bài phát biểu tham luận của Đại diện lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản thành phố Cần Thơ về “Tiềm năng, cơ hội phát triển thị trường Bất động sản tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021 – 2030”.

Trả lời