Những cú hích cho thị trường Cần Thơ

Trải qua một năm với nhiều biến động do sự ảnh hưởng của đại dịch đại dịch COVID-19, đến nay thị trường bất động sản (BĐS) tại Cần Thơ đang có những bước chuyển mình và khởi sắc hơn khi các “ông lớn” trong ngành BĐS cũng đã bắt đầu khảo sát và tìm hiểu địa bàn thành phố nhằm triển khai các dự án lớn trong thời gian tới. 

Đẩy mạnh cơ sở hạ tầng giao thông khởi động thị trường bất động sản

Với định hướng trở thành thành phố động lực kinh tế của khu vực, TP. Cần Thơ đang tập trung nguồn lực phát triển đô thị bài bản, đầu tư các công trình giao thông kết nối vùng. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông của TP. Cần Thơ nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung không ngừng được hoàn thiện cũng như nhu cầu khách hàng không ngừng tăng, từ đó tạo ra nhiều cơ hội mới cho thị trường BĐS ở Cần Thơ.

Trong những năm gần đây nhiều công trình giao thông trọng điểm, mang tính chiến lược, kết nối thông suốt Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh và cả nước được đầu tư. Cụ thể như cầu Cần Thơ, Sân bay Quốc tế Cần Thơ, Cảng Cái Cui, Cảng Cần Thơ cùng với các tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 80, quốc lộ 91, quốc lộ 91B, quốc lộ 61B…

Đặc biệt, trong Tết Nhâm Dần này tuyến cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh sẽ thông xe đến Mỹ Thuận, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh về Cần Thơ và ngược lại. Cùng với đó là tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng cũng sắp được khởi công hoàn thành trước năm 2030; tuyến đường sắt tốc độ cao TP. Hồ Chí Minh – Cần Thơ cũng đã được đưa vào quy hoạch đầu tư.

Đến thời điểm hiện tại, TP. Cần Thơ là đô thị duy nhất tại khu vực ĐBSCL được thụ hưởng đến 3 dự án nâng cấp đô thị vay vốn ODA với tổng nguồn vốn lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Cùng với đó là nguồn vốn phân bổ đầu tư công hàng năm lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, TP. Cần Thơ đang tập trung đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và thị trường BĐS trong tương lai.

Chào đón những dự án lớn

Năm 2021, nhiều ông lớn trong ngành đã tranh thủ đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Cần Thơ bất chấp tình hình dịch bệnh diễn ra trong năm vừa qua. Ba doanh nghiệp gồm Sovico, T&T, Hòa Phát đều là những tập đoàn đa ngành và quy mô lớn, đang khảo sát, nghiên cứu hàng chục dự án khu đô thị, xây dựng trung tâm logistics.

Giữa tháng 2 vừa rồi, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ vừa thống nhất sơ bộ theo báo cáo của Sở Xây dựng Cần Thơ về kế hoạch quy hoạch khu kinh tế, dịch vụ hơn 10.600ha gần sân bay. Cụ thể, vị trí quy hoạch các khu chức năng (khu kinh tế, dịch vụ, trung tâm logistics hàng không, khu công nghiệp công nghệ cao) gắn với không gian xung quanh sân bay Cần Thơ, đường Vành đai phía Tây cũng như trung tâm công nghiệp, năng lượng tại quận Ô Môn, ranh giới trên địa bàn quận Bình Thủy, quận Ô Môn, huyện Phong Điền.

Một phần quận Bình Thủy nằm trong quy hoạch khu kinh tế, dịch vụ hơn 10.600ha gần sân bay

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ còn giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam, các sở ngành và Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ khẩn trương hoàn chỉnh thống nhất về mối quan hệ và chức năng chính của các khu, chức năng bổ trợ khác để đảm bảo hình thành các hoạt động đa dạng, hoàn chỉnh của một khu đô thị.

Nói về thị trường BĐS Cần Thơ năm 2022, ông Dương Quốc Thủy, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản TP. Cần Thơ cho rằng, đang có một cơ hội lớn cho các chủ đầu tư có tiềm lực chiếm lĩnh cơ hội khai thác thị trường Cần Thơ, ngoài ra hứa hẹn sự bùng nổ về phân khúc cũng như chất lượng các dự án nhà ở tại Cần Thơ trong 5 năm tới bởi hiện TP. Cần Thơ đang phát triển mạnh nhất khu vực và quỹ đất cũng còn rất lớn, nhu cầu nhà ở rất cao.

Vừa qua, NovaGroup đề xuất ý tưởng quy hoạch và ký kết hợp tác cùng hai tỉnh An Giang, Đồng Tháp phát triển Mekong Smart City, gồm 11 dự án thành phần: Khu đô thị Blue Dragon; làng nghề Bùi Thanh Thủy; Las Vegas Island; Mekong Port; Mekong Logistics; khu chế xuất Mekong SEZ; làng nghỉ dưỡng và khu nhà ở biệt thự vườn Mekong Village dành cho các chuyên gia, nhà quản lý khu công nghiệp; khu công nghiệp sạch Mekong Industry Zone tại TP. Hồng Ngự; Mekong Agro Center; Mekong Airport; khu công nghệ AI. Với số vốn đầu tư giai đoạn I hơn 2 tỷ USD, Mekong Smart City dự án được giới chuyên gia kỳ vọng mang lại cú hích phát triển kinh tế cho cả vùng ĐBSCL, trong đó, Cần Thơ là trung tâm kinh tế vùng cũng sẽ nhận được lực đẩy nhất định.

Nhìn chung, BĐS khu vực ĐBSCL và Cần Thơ có nhiều lợi thế giúp thị trường tiếp tục tăng trưởng ổn định. Các dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng và phát triển giao thông mang tính chiến lược, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, góp phần giải quyết những vấn đề ùn tắc giao thông, tạo thuận lợi di chuyển, tăng tính kết nối, thúc đẩy hoạt động giao thương nhộn nhịp. Sự đồng bộ về hạ tầng tạo động lực thúc đẩy hình thành những khu dân cư, khu đô thị mới, phát triển đa lĩnh vực từ kinh tế, giáo dục, y tế cũng như nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Tổng hợp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *