Góc nhìn chuyên gia cho thị trường bất động sản năm 2022

Với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình giữ mức ổn định 6-7% trong nhiều năm qua, Việt Nam được đánh giá là điểm đếm lý tưởng để đầu tư so với các nước trong khu vực. Đây là cơ hội cho các nước châu Á Thái Bình Dương và thế giới nhìn nhận Việt Nam là điểm nóng bất động sản.

365 ngày chuyển động…

Chỉ còn hơn một tuần nữa năm 2021 sẽ khép lại, những tháng cuối năm thị trường bất động sản (BĐS) cũng còn khá trầm lắng bởi dịch bệnh vẫn còn tác động ở một số tỉnh thành. Một năm khá vất vả đối với thị trường BĐS, giai đoạn đầu năm 2021 tín hiệu tốt về tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, phần nào làm khởi sắc lượng giao dịch. Cạnh đó cũng có thêm nhiều tin tốt như nhiều địa phương công bố, công khai các quy hoạch mới; đầu tư công cho hạ tầng bắt đầu triển khai; bắt đầu tăng giá theo quy định nhà nước, từ đây cũng tạo nên làn sóng sốt đất ở một số địa phương, nhưng kịp thời được kiểm soát, ổn định thị trường.

Đến khoảng tháng 5, giá BĐS chịu một lực tác động từ sự tăng giá vật liệu xây dựng. Giá thép tăng 40%, trong khi thép chiếm 20-30% chi phí xây dựng. Và một lần nữa dịch bệnh Covid-19 trở lại càng quét trên diện rộng từ tháng 7 đến nay, làm “đóng băng” các hoạt động kinh tế, BĐS một lần nữa im ắng. Bên cạnh đó, BĐS Việt Nam vẫn đang chịu tác động bởi nhiều chính sách tạo nên những khó khăn.

Dẫu vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn không từ bỏ thị trường BĐS bởi niềm tin qua những tín hiệu tích cực, như tốc độ sản xuất, tiếp nhận và tiêm vaccine; các chính sách được sửa đổi nhằm hỗ trợ cho thị trường một số cơ chế chính sách mới có tính đồng bộ, tính liên thông sẽ tháo gỡ được các “vướng mắc” cho thị trường. Lãi suất ngân hàng giảm kỷ lục, hỗ trợ hồi phục kinh tế.

Sự phục hồi và tăng trưởng trở lại của thị trường được minh chứng rõ ràng khi “sức khỏe” của BĐS ở những tỉnh thành từng bị bùng phát dịch như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, đều có sự phục hồi tốt.

Một số dự báo thú vị cho năm 2022

“Châu Á – Thái Bình Dương được dự đoán sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế khu vực lên 6% trong năm nay và duy trì vị thế là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.” – Theo báo cáo triển vọng châu A – Thái Bình Dương do công ty tư vấn dịch vụ bất động sản toàn cầu Knight Frank công bố.

Cũng theo Kinght Frank, sức khỏe và tinh thần sẽ là 2 giá trị mà chủ đầu tư phải quan tâm hàng đầu trong phân khúc bất động sản nhà ở tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Giờ đây, người mua cần một căn nhà có đủ không gian để làm việc hiệu quả, chất lượng không khí tốt cùng với không gian xanh, thân thiện với thiên nhiên. Đây cũng sẽ là tiêu chuẩn và mục tiêu hướng đến của các chủ đầu tư trong năm 2022.

Nhìn chung, về trung và dài hạn BĐS Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, với nhu cầu rất lớn. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhận định “Hiện Việt Nam mới có tỷ lệ đô thị hoá xấp xỉ 40%, trong khi các nước phát triển là trên 70%; xu hướng hộ gia đình 2 thế hệ trong 1 căn nhà là rất phổ biến hiện nay. Cùng với chiến lược Phát triển nhà ở Quốc gia giai đoạn 2021-2030 phấn đấu xây dựng 1,032 tỷ m2 nhà ở, mỗi năm khoảng 100 triệu m2”.

Một điều nữa cho thấy thị trường BĐS vẫn duy trì hiệu quả trong năm tới chính là tâm lý của người mua đã lạc quan hơn rất nhiều, đây là nhận định của những chuyên gia trong ngành. Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến lý tưởng để đầu tư so với các nước trong khu vực, nổi bật ở mảng BĐS, bởi tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam trong nhiều năm qua giữ mức xấp xỉ 6-7%, cho thấy được nhu cầu nhà ở rất lớn. Đây là cơ hội cho các nước châu Á Thái Bình Dương và thế giới nhìn nhận Việt Nam là điểm nóng BĐS.