Hài hòa bài toán nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư

Tốc độ đô thị hóa ngày một gia tăng đã và đang đặt ra yêu cầu cho TP Cần Thơ phải nỗ lực đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư với mức thu nhập khác nhau, đặc biệt là nhà ở cho các đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở. Từ đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội và phát triển thành phố theo hướng văn minh, hiện đại.

►Nhu cầu lớn

Dân số trên địa bàn TP Cần Thơ tập trung chủ yếu ở các quận nội thành với mật độ dân số và nhà ở cao hơn so với các huyện. Trong các nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội bao gồm: hộ gia đình người có công với cách mạng; hộ gia đình nghèo, cận nghèo khu vực nông thôn; hộ gia đình thuộc khu vực nông thôn thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu; người thu nhập thấp ở khu vực đô thị, công nhân, người lao động ở khu công nghiệp (KCN); sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; cán bộ công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; nhà ở cho các đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở công vụ; học sinh, sinh viên; hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở. Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố vẫn còn khá khiêm tốn với tổng quy mô 2.459 căn hộ và tổng diện tích sàn 166.506m2.

Trên địa bàn thành phố hiện có 6 KCN tập trung đang hoạt động, gồm: KCN Trà Nóc 1, KCN Trà Nóc 2, KCN Hưng Phú 1, KCN Hưng Phú 2A, KCN Hưng Phú 2B, KCN Thốt Nốt (giai đoạn 1), cụm công nghiệp Cái Sơn-Hàng Bàng. Số lượng công nhân làm việc trong các KCN trên 36.800 người. Trong đó đa số là người địa phương, còn lại hơn 11.900 công nhân đang thuê nhà trọ do người dân xây dựng. Hiện nay chưa có quỹ nhà ở cho cán bộ, công nhân viên trong KCN. Chỉ có Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (Caseamex) tự đầu tư nhà ở cho công nhân thuê, mua với 490 căn. Do đó, nhà ở cho công nhân, người lao động trong các KCN cần được phát triển trong giai đoạn tới để đảm bảo điều kiện chỗ ở tốt hơn, chất lượng nhà ở cao hơn.

Theo số liệu rà soát của các cơ sở đào tạo, toàn thành phố có khoảng 69.500 sinh viên đang theo học tại các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề. Tỷ lệ sinh viên là người ngoại thành, ngoại tỉnh chiếm khoảng 74%. Tổng quỹ phòng ký túc xá hiện tại có khả năng bố trí hơn 12.200 chỗ ở tại 5 ký túc xá của các trường: Ðại học Cần Thơ, Ðại học FPT, Ðại học Nam Cần Thơ, Cao đẳng Cần Thơ, Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật. Do đó, số sinh viên còn lại phải thuê nhà trọ do người dân tự xây dựng. Hằng năm, số sinh viên ra trường ở lại thành phố lập nghiệp vẫn phải thuê nhà ở là chính vì chưa đủ khả năng tài chính để mua nhà.

►Cần huy động nhiều nguồn lực

Sở Xây dựng TP Cần Thơ đang hoàn thiện dự thảo Chương trình phát triển nhà ở TP Cần Thơ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, vấn đề phát triển nhà ở cho nhóm đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội được quan tâm. Theo đó, các dự án nhà ở thương mại diện tích trên 10ha khi triển khai phải bố trí quỹ đất 20% phát triển nhà ở xã hội. Trong trường hợp chủ đầu tư không triển khai hoặc chậm triển khai thực hiện theo tiến độ đã được phê duyệt; thực hiện thu hồi và giao cho các nhà đầu tư có năng lực để triển khai đầu tư xây dựng, tránh lãng phí quỹ đất. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách thu được từ các chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô dưới 10ha; thực hiện phương thức nộp tiền tương đương giá trị quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội (20% đất ở) để phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố. Ðặc biệt là đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước để cho thuê; giải quyết cho các đối tượng rất khó khăn về nhà ở do không thuê được nhà ở xã hội do các doanh nghiệp đầu tư xây dựng.

Các sở, ngành thành phố cũng đề xuất tiếp tục thực hiện đa đạng hóa các phương thức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, chủ yếu sử dụng vốn ngoài ngân sách; ưu tiên sử dụng vốn ngân sách để đầu tư xây dựng các nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước cho thuê. Xem xét mở rộng chính sách hỗ trợ cho vay đối với các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo nhà trọ cho công nhân, người lao động, sinh viên trên địa bàn thành phố đạt chuẩn theo quy định.

Một góc ký túc xá Đại học Nam Cần Thơ

Theo ông Nguyễn Thái Bảo, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, Ninh Kiều là địa bàn tập trung đông dân cư nên khả năng là sẽ không đạt chỉ tiêu về mét vuông sàn nhà ở/người. Việc huy động thêm nguồn lực từ người dân để đầu tư nhà ở cho thuê là cần thiết để đáp ứng nhu cầu người dân, sinh viên học sinh đến tạm trú trên địa bàn quận. Do đó, nên chăng có thêm các quy định cụ thể về quản lý xây dựng nhà trọ kinh doanh như quy định tối thiểu về diện tích, mét vuông sàn/người ở các khu nhà trọ để thuận tiện trong công tác quản lý xây dựng gắn với các vấn đề liên quan đến an toàn phòng cháy, chữa cháy, chất lượng cuộc sống của người thuê nhà.

Theo ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, Sở Xây dựng đang rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phát triển đô thị TP Cần Thơ giai đoạn 2015-2020 đồng thời đề xuất UBND thành phố trình HÐND thành phố xem xét ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Chương trình phát triển đô thị TP Cần Thơ giai đoạn 2015-2020 theo hướng cập nhật quan điểm, mục tiêu phát triển đô thị theo Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; bổ sung, cập nhật chỉ tiêu chất lượng đô thị và điều chỉnh kế hoạch nâng loại đô thị; cập nhật các dự án ưu tiên trên địa bàn thành phố và điều chỉnh phạm vi các giai đoạn phát triển đô thị… Ðây sẽ là cơ sở pháp lý để thành phố xây dựng Chương trình phát triển nhà ở TP Cần Thơ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 với các mục tiêu quan điểm phù hợp, sát với yêu cầu thực tiễn. Cụ thể, phát triển nhà ở từng bước đáp ứng nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp, đáp ứng nhu cầu gia tăng dân số không chính thức hằng năm của người lao động, công nhân, các hộ gia đình từ địa phương khác đến thành phố sinh sống, học tập và làm việc; tăng tỷ trọng nhà ở cho thuê đối với phân khúc nhà ở giá rẻ để giải quyết nhu cầu ở khá lớn của các đối tượng có thu nhập thấp tại đô thị. Phát triển nhà ở phải gắn với phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, đảm bảo đồng bộ với phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Nguồn Báo Cần Thơ.