Đồng bằng sông Cửu Long – “Bến đỗ” mới của các doanh nghiệp địa ốc

Với lợi thế về quỹ đất, giá cả và hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, khu vực ĐBSCL được đánh giá là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp bất động sản.

Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện đã giúp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thu hút nhiều doanh nghiệp địa ốc đổ về để tìm kiếm cơ hội.

Cú huých từ hạ tầng

Dự kiến, từ nay đến năm 2025, Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) sẽ hoàn thành các quốc lộ, cao tốc nối Cà Mau – Bạc Liêu – Cần Thơ, mở thông cánh cửa phát triển cho vùng ĐBSCL.

Một tin vui là Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tăng thêm cho khu vực ĐBSCL khoảng 2 tỷ USD trong giai đoạn tới.

“Giai đoạn 2021-2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ xây dựng dự án hỗ trợ ngân sách địa phương thông qua các nhà tài trợ khoảng 1,05 tỷ USD để tập trung làm toàn bộ đường ven biển cho các tỉnh vùng ĐBSCL và các dự án giao thông quan trọng khác tại khu vực này”, một lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Liên quan đến vấn đề đầu tư hạ tầng vùng ĐBSCL, theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, hiện nay đã có 40 km đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, cuối năm nay sẽ thông xe cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận dài 24 km. Theo kế hoạch, nhà đầu tư sẽ đưa vào sử dụng năm 2021. Có 7 km kết nối vào cầu Mỹ Thuận 2 đã triển khai cả 4 gói thầu, đến năm 2023 sẽ hoàn thành. Tháng 12 tới sẽ phát động khởi công 23 km Mỹ Thuận – Cần Thơ. Dự kiến năm 2023, từ TP.HCM đến Cần Thơ sẽ chính thức có đường cao tốc.

Cuối năm nay, sẽ khánh thành đường từ Vàm Cống đến Rạch Sỏi, hiện đã thông xe kỹ thuật và bố trí đủ vốn; đoạn từ cầu Cao Lãnh đến cầu Vàm Cống dài 26 km đang hoàn chỉnh. Như vậy, tuyến TP.HCM – Cần Thơ, Cao Lãnh – Vàm Cống – Rạch Sỏi sẽ có hơn 210 km.

Chính phủ đặt mục tiêu sẽ thông tuyến cao tốc Lạng Sơn – Cà Mau vào năm 2025. Từ Cần Thơ đến Cà Mau, toàn bộ dự án sẽ được ưu tiên cho nhiệm kỳ tới. Đoạn cầu Cao Lãnh – An Hữu dài 30 km khi làm xong thì từ TP.HCM đi Kiên Giang sẽ có nhánh đường cao tốc thứ 2.

Hút dòng vốn đầu tư mạnh mẽ

Với lợi thế về quỹ đất, giá cả và hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, khu vực ĐBSCL được đánh giá là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp bất động sản. Những năm gần đây, khu vực này đã thu hút sự chú ý của nhiều ông lớn trong ngành này.

Tại Kiên Giang, Tập đoàn CEO Group đã chi hơn 2.600 tỷ đồng để đầu tư Dự án Khu đô thị biển Sonasea Kien Giang City (TP. Rạch Giá), với quy mô 83,5 ha. Mục tiêu của Dự án là hình thành một khu đô thị thông minh, kết hợp với các khu phức hợp văn phòng, khu thương mại, nghỉ dưỡng, giải trí tiêu chuẩn quốc tế…

Hay tại Hậu Giang, sau khi phát triển thành công các dự án tại Long An và Bình Phước, Tập đoàn Cát Tường đã chọn tỉnh này để đầu tư Dự án Western Pearl, với quy mô gần 80 ha, vốn đầu tư khoảng 85 triệu USD.

Nhằm tạo điều kiện cho khách hàng dễ dàng tiếp cận thông tin về các dự án của mình, Cát Tường Group đã chính thức khai trương Trung tâm giao dịch bất động sản tại số 2 – Trần Hưng Đạo (TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang). Sự có mặt của trung tâm giao dịch tại đây là cầu nối để Cát Tường Group và nhà đầu tư địa phương xích gần nhau hơn, giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận thêm những thông tin về các dự án lớn của Cát Tường Group, đặc biệt là Dự án Western Pearl đang thu hút sự quan tâm của đông đảo giới đầu tư và người dân.

Chia sẻ về định hướng kinh doanh trong thời gian tới, ông Trương Ngọc Linh, Phó tổng giám đốc Cát Tường Group cho biết, trong thời gian tới sẽ đưa ra nhiều chính sách kinh doanh hấp dẫn dành cho khách hàng với sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp tại các dự án miền Đông và miền Tây Nam bộ.

Tương tự, hàng loạt doanh nghiệp tên tuổi trong ngành bất động sản như Vingroup, KITA Group, FLC, Novaland… đang triển khai nhiều dự án quy mô lớn, góp phần tạo nên sự sôi động cho thị trường bất động sản Cần Thơ. Trong đó, đáng chú ý là Khu đô thị sân bay Stella Mega City của KITA Group có quy mô 150 ha, với nhiều phân khu chức năng như nhà ở, khu thương mại, giải trí.

Đại diện KITA Group cho biết, trong 2 năm gần đây, nhờ việc đầu tư hệ thống đường giao thông kết nối liên vùng từ Cần Thơ đi TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL mà thị trường Cần Thơ bùng nổ. Giá đất trung tâm Cần Thơ như quận Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thủy có nơi tăng tới 200%. Cá biệt, có khu dọc theo đường Đặng Văn Dầy, Võ Văn Kiệt, cũng như con đường huyết mạch nối Cần Thơ với các tỉnh Long Xuyên, giá đất đã tăng 300%.

Theo Tổng giám đốc Phú Vinh Group, ông Phan Công Chánh, hiện có nhiều đơn vị môi giới và nhà phát triển bất động sản tại TP.HCM đang đổ xô vào thị trường tỉnh lẻ. “Các doanh nghiệp bất động sản lớn đều có kế hoạch đánh bắt xa bờ để nuôi quân. Chính những yếu tố về hạ tầng và tiềm năng phát triển còn lớn đã thúc đẩy các doanh nghiệp về ĐBSCL đầu tư”, ông Chánh nói.