404: Not Found Tạo đột phá trong đầu tư hạ tầng giao thông cho ÐBSCL - HIỆP HỘI BẤT ĐỘNG SẢN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Tạo đột phá trong đầu tư hạ tầng giao thông cho ÐBSCL

Sáng 10-11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn về các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Thủ tướng Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn trước Quốc hội

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường, các đại biểu Quốc hội quan tâm đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể xoay quanh vấn đề đầu tư hạ tầng giao thông cho ÐBSCL, việc thu phí tại các trạm BOT và xã hội hóa các cảng hàng không.

Trả lời về vấn đề hạ tầng giao thông của ÐBSCL, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, qua các tính toán về kế hoạch, mục tiêu thì việc đến năm 2025 ÐBSCL có ít nhất 300km đường cao tốc là hoàn toàn khả thi và hiện đã bố trí đủ vốn thực hiện. Ngoài các tuyến cao tốc, Bộ GTVT đang hướng tới tập trung xây dựng 4 trục giao thông dọc, 4 trục ngang nhằm tạo mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối toàn vùng ÐBSCL. “4 trục dọc có vai trò quan trọng, được Bộ GTVT ưu tiên các nguồn vốn để thực hiện trong thời gian tới. Ðến năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu thông tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.

Về việc thu phí tại các trạm BOT, bên cạnh khẳng định sự phù hợp với quy định pháp luật của một số trạm thu phí BOT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng ghi nhận hiện có tình trạng dư luận một số nơi bức xúc về việc thu phí tại các trạm BOT. Theo ông Thể, quá trình triển khai việc đặt trạm thu phí có thực hiện nghiên cứu theo tuyến, song vẫn còn một số bất cập trong giai đoạn triển khai nhiều dự án BOT, cụ thể là hạn chế trong nghiên cứu khoảng cách giữa các trạm BOT và vấn đề liên kết giữa các quốc lộ với nhau. Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, các vấn đề tại riêng một số trạm BOT, Bộ đều báo cáo thường xuyên với Chính phủ, báo cáo chuyên đề trong các kỳ họp Quốc hội. Trường hợp phương án tài chính không đảm bảo hoặc có không giải pháp thay thế, Bộ trưởng mong muốn Quốc hội thảo luận, Chính phủ xem xét để có chỉ đạo và giải pháp căn cơ để giải quyết.

►Trong phiên họp chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự thảo Văn kiện trình Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng.

Nguồn Báo Cần Thơ