Hạ tầng chấp cánh cho BĐS Tây Nam Bộ đón vận hội mới
Được xem là nguồn tài nguyên quý giá của mỗi quốc gia, bất động sản (BĐS) là lĩnh vực mà nhiều người yêu thích đầu tư bởi hiệu suất sinh lời luôn dẫn đầu và bền vững. Trước những tác động trong năm vừa qua của dịch CoVid-19, BĐS cả nước bị phủ một gam màu xám, nhưng những tín hiệu tích cực từ cuối năm 2020, giới quan sát thị trường cho rằng Tây Nam Bộ sẽ lấy lại phong độ, sẵn sàng bật lên khi mọi thứ trở lại quỹ đạo.
Trong đó, tại Tây Nam Bộ, sau khi Chính Phủ phê duyệt đầu tư hàng loạt tuyến cao tốc và các cây cầu mới nối với TP.HCM, thị trường bất động sản một số tỉnh vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long đã trở nên sôi động. Cụ thể, Cao tốc Lộ Tẻ – Rạch Sỏi chính thức đưa vào khai thác ngày 12/1/2021, sẽ kết nối với dự án Kết nối trung tâm đồng bằng Mekong (gồm cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và đường nối hai cầu, dài 28 km, vốn đầu tư 19.500 tỷ đồng, đã đưa vào sử dụng) trở thành tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Và dự án cải tạo, nâng cấp mặt đường tuyến đường Quản Lộ – Phụng Hiệp đi qua địa bàn 4 tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau rút ngắn khoảng cách đến 50km.
Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận tổng vốn đầu tư 12.668 tỉ đồng chính thức thông tuyến vào sáng 28/12/2010 đưa người dân miền Tây về quê trong dịp tết vừa qua. Sáng ngày 4/1/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự và phát lệnh khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, giai đoạn 1, dự án có tổng mức đầu tư là 4.826 tỷ đồng, thi công trong 2 năm. Để đến năm 2022, tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ thông thương.
Định hướng trở thành động lực kinh tế của vùng, các công trình hạ tầng trên đã góp phần cho Cần Thơ nhanh chóng hoàn thành mục tiêu. “Cùng với các tuyến cao tốc trong khu vực đã được phê duyệt quy hoạch như cao tốc Cần Thơ – Bạc Liêu – Cà Mau sẽ hình thành mạng lưới đường bộ cao tốc hiện đại, đồng bộ khu vực ÐBSCL, góp phần quan trọng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh trong khu vực và của đất nước… Những dự án hạ tầng trên chắc chắn sẽ tạo động lực thúc đẩy thị trường BÐS Cần Thơ phát triển mạnh mẽ trong năm 2021 và những năm tiếp theo” – bà Ngô Thị Tú Trinh – Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS TP Cần Thơ cho biết.
Theo ghi nhận thực tế, từ năm 2018 đến nay, hàng loạt “ông lớn” trong ngành địa ốc như Vingroup, Mường Thanh, Văn Phú – Invest, Phú Cường Group, CEO Group, Sun Group, Kita Invest Group, FLC Group, Thủ Đức House, Nam Long Group, LDG Group, T&T Group, DIC Group… đã và đang đổ bộ vào thị trường Tây Nam Bộ với nhiều dự án ở tất cả các phân khúc khác nhau.
Cơ chế pháp lý mới khơi thông thị trường
Qua khảo sát người dùng của Batdongsan.com.vn thực hiện trong quý III/2020 cho thấy, BĐS vẫn là kênh đầu tư được lựa chọn nhiều nhất. Những dự án được đầu tư tốt, hoàn thành hạ tầng và có đầy đủ pháp lý (có sổ đỏ) được các nhà đầu tư quan tâm và giao dịch mạnh.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trước bối cảnh khó khăn chung và giải quyết những chồng chéo, vướng mắc về mặt pháp lý tồn tại trong nhiều năm qua để phù hợp với tiến trình phát triển, hội nhập của đất nước. Điều này đã góp phần “gỡ khó” cho các doanh nghiệp địa ốc và từ đó tạo ra động lực quan trọng giúp thị trường bất động sản (BĐS) có thêm bước tiến mới trong những năm tới.
Sau đây là những chính sách, điều chỉnh, bổ sung mới của Chính phủ trong năm qua nhận được sự quan tâm của nhiều người:
– Nghị định số 41 gia hạn thời hạn nộp thuế.
– Nghị định số 25 được ban hành tháng 2.2020 quy định, giao đất cho nhà đầu tư trúng đấu thầu sẽ được triển khai ngay sau khi hoàn thành bồi thường.
– Thông tư 21 của Bộ Xây dựng quy định diện tích tối thiểu căn hộ chung cư không nhỏ hơn 25m2 bắt đầu có hiệu lực 1.7.2020.
– Thi hành Luật Đất đai có hiệu lực từ 8.2.2021 với nội dung quan trọng về việc giải cứu hàng nghìn dự án có đất xen kẹt.
– Luật Xây dựng sửa đổi 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2021. Theo đó, nhiều công trình sẽ được miễn giấy phép xây dựng.
– Ban hành Nghị quyết số 164/NQ-CP về việc tháo gỡ một số vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị theo quy định tại Nghị định số 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị. Theo Nghị quyết này việc áp dụng thủ tục đầu tư dự án khu đô thị kể từ ngày 01/7/2015 cho đến ngày 01/01/2020 sẽ thực hiện theo hướng chỉ áp dụng theo thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Nhà ở 2014 hoặc Luật Đầu tư 2014 chứ không áp dụng thêm thủ tục chấp thuận đầu tư dự án khu đô thị theo Nghị định 11.
Đứng trước những chính sách hỗ trợ và hành lang pháp lý thông thoáng hơn, nhiều chuyên gia kinh tế, các tổ chức đã có những quan điểm, góc nhìn tích cực đối với sự phát triển của thị trường BĐS, trong đó có thị trường Tây Nam Bộ.