Bên cạnh những tiềm năng, cơ hội của thị trường bất động sản ĐBSCL trong năm 2021, các chuyên gia cũng chỉ ra nhiều khó khăn, thách thức cần phải giải quyết, cần tháo gỡ ngay của thị trường bất động sản…
Cơ hội của vùng đất chín rồng
Ông Đỗ Viết Chiến – Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục phát triển đô thị – Bộ Xây dựng nêu quan điểm trong năm 2021 nhìn từ góc độ lớn hơn sẽ diễn ra sự đan xen giữa cơ hội và thách thức của thị trường BĐS.
Thứ nhất về ổn định kinh tế vĩ mô, dù trong bối cảnh đại dịch covid-19, năm 2020 Việt Nam vẫn là một trong các nước tăng trưởng dương. Trong đó không thể không nói đến những đóng góp của thị trường BĐS Việt Nam nói chung, BĐS Cần Thơ nói riêng.
Thứ hai, Việt Nam đã kiềm chế được lạm phát ở mức 3-4%, đây là con số rất đáng quan tâm, khẳng định sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô. Thu chi giữ được sự cân đối trong năm 2020.
Thứ ba, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ đã rất quyết liệt trong năm vừa qua chủ yếu là đầu tư cho các công trình hạ tầng và đây là một trong ba khâu đột phá trong chính sách của Đảng và Nhà nước. Bằng chứng có thể thấy hạ tầng ĐBSCL đã có thêm những tuyến cao tốc kết nối xuyên suốt, đặc biệt Cần Thơ – đầu tàu kinh tế của 13 tỉnh ĐBSCL.
Cần Thơ được đánh giá cao vai trò về vị trí, đóng góp cho khu vực, trong quy hoạch ĐBSCL thời gian tới cũng khẳng định vai trò của Cần Thơ. Trong năm qua, sự đóng góp của thị trường Cần Thơ cho nền kinh tế là điều không thể phủ nhận.
Ông Đỗ Viết Chiến cũng nhận định, hạ tầng đóng vai trò rất lớn trong sự tăng trưởng BĐS, vì mở đường đến đâu giá trị BĐS tăng đến đó. Vì thế mà hiện nay BĐS hạ tầng được xếp loại là một trong những loại hình BĐS đắc giá.
Với sự đầu tư từ Chính phủ như vậy, hà tầng đường bộ sẽ ngày càng hoàn thiện, tăng tính kết nối. ĐBSCL cũng là vùng sông ngòi chằng chịt với 9 cửa sông lớn đổ ra biển, cùng nhiều cảng biển lớn. Khu vực cũng có 3 sân bay tại Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau. Có thể thấy hạ tầng đường bộ – đường thủy – đường hàng không đã rất đồng bộ và hoàn thiện. Cùng với đó là dự án đường sắt cao tốc TP HCM – Cần Thơ cũng là một trong những định hướng vô cùng quan trọng.
Thứ tư, Nghị quyết 10 của Trung ương dành cho phát triển kinh tê tư nhân, khẳng định sự thừa nhận và bảo hộ của Nhà nước dành cho kinh tế tư nhân. Nhất là các doanh nghiệp BĐS sẽ được cởi nút thắt.
Thứ năm, Nhà nước đang tập trung quyết liệt tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp. Trong năm 2021, Hiệp hội BĐS Việt Nam và Hiệp hội BĐS Cần Thơ sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong sự phát triển của lĩnh vực BĐS.
Cuối cùng là phân khúc BĐS ngày một mở rộng và đa dạng hơn, không chỉ gói gọn vào vấn đề nhà ở. Phát triển BĐS gắn liền với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong năm 2020 đô thị hóa tại Việt Nam 40%, đến 2025 khả năng sẽ đạt 45%, năm 2030 đạt 50%. Với sự phát triển của đô thị, BĐS sẽ phát triển để đáp ứng nguồn cầu này.
Thách thức cho thị trường
Một là, bất cập về các văn bản pháp luật hiện hành, từ công tác đầu tư xây dựng, giao dịch đến quản lý sử dụng bất động sản chậm được hoàn thiện, còn chồng chéo; nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn, bất cập của cơ chế chính sách nhưng chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời dẫn đến thị trường bất động sản chưa được quản lý và kiểm soát một cách hiệu quả.
Hai là, thủ tục hành chính không dứt khoát, kéo dài là nguyên nhân dẫn đến giảm nguồn cung, kéo theo lượng giao dịch bất động sản cũng giảm.
Ba là, doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn. Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ nguồn vốn chủ yếu từ nguồn vay, nhưng hiện nay với chính sách siết chặt tín dụng càng làm khó cho các doanh nghiệp.
Bốn là, thiếu hụt hệ thống thông tin về thị trường BĐS và thị trường thiếu tính chuyên nghiệp.
Theo đó, Hiệp hội BĐS Việt Nam và Hiệp hội BĐS Cần Thơ sẽ tăng cường cập nhật thông tin để thị trường đa dạng hơn, mọi người có nhu cầu tìm hiểu sẽ có nguồn thông tin tin cậy. Đồng thời nâng cáo tính chuyên nghiệp bằng cách liên kết đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề cho môi giới BĐS.