Với mật độ dân số cao gấp đôi khu vực ĐBSCL, tỉ trọng cư dân dịch chuyển nhanh từ nông thôn sang thành thị, ngày càng thu hút nhiều sinh viên, người lao động đến nhập cư sinh sống, Cần Thơ khẳng định vị thế tiềm năng phát triển đô thị sáng giá nhất Tây Nam Bộ.
Trong 10 năm qua, quá trình đô thị hóa tại các tỉnh ĐBSCL diễn ra nhanh và rộng khắp nhất là Cần Thơ. Giai đoạn 2009 – 2019, dân số thành thị tăng 77.271 người trong khi đó dân số ở khu vực nông thôn giảm 30.535 người, do tác động của xu hướng dịch chuyển từ nông thôn vào thành thị. Điều này cho thấy sự đô thị hóa tại Cần Thơ diễn ra nhanh hơn ở cấp độ vùng và toàn quốc.
Đô thị hóa nhanh và rộng đẩy nhu cầu nhà ở tăng cao
Theo kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 của Cục thống kê TP. Cần Thơ tại thời điểm 1/4/2019, tổng dân số là 1.235.171 người. Hiện Cần Thơ đang chiếm 7,19% dân số ĐBSCL và chiếm 1,28% dân số toàn quốc. Mật độ dân số của Cần Thơ là 858 người/km2, cao gấp 3 lần mật độ dân số toàn quốc (290 người/km2), gấp 2 lần mật độ dân số ĐBSCL (423 người/km2), đứng thứ 12/63 tỉnh, thành cả nước.
Cũng trong báo cáo, toàn Cần Thơ có 359.375 hộ dân, tăng 68.966 hộ so với năm 2009. Trong đó, quy mô hộ 1 người tăng vọt đến 42.688 hộ và hộ 2 người là 34.370 hộ và tập trung chủ yếu ở 3 quận là Ninh Kiều, Bình Thuỷ và Cái Răng. Tương ứng với kết quả trên, tỷ lệ nhà ở kiên cố trong nội thành là 89,4% và tập trung cao ở quận trọng điểm như Ninh Kiều 100%, Bình Thủy 97,5%, Cái Răng 96,2%.
Mặt khác, nếu chỉ tính di cư ngoại tỉnh tỷ suất nhập cư năm 2019 là 44,9%. Thêm vào đó, trong số 69.500 sinh viên đang theo học tại các học viện, trường ĐH-CĐ và dạy nghề… thì 74% là sinh viên ngoại tỉnh. Những con số trên cho thấy Cần Thơ đang là điểm sáng dẫn đầu vùng ĐBSCL thu hút thị trường lao động và giáo dục đào tạo. Kéo theo đó, tiềm năng cầu về nhà ở của Cần Thơ đang tăng mạnh.
Ngoài ra, theo định hướng quy hoạch thành phố đến năm 2025, Cần Thơ sẽ tập trung phát triển đô thị cửa ngõ, đầu mối quan trọng giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế. Trong đó, Bình Thuỷ là quận được đầu tư phát triển mạnh nhờ sở hữu nhiều lợi thế tiềm năng: Cảng hàng không quốc tế của cả khu vực Tây Nam Bộ, hệ thống khu công nghiệp hiện đại và cảng biển quy mô lớn.
Chính những lợi thế về hạ tầng, kinh tế này tạo nên thị trường việc làm dồi dào, thu hút đông đảo người lao động, sinh viên và dân nhập cư. Từ đó, nhu cầu về nhà ở tại quận Bình Thủy cũng tăng đáng kể. Bằng chứng là sự xuất hiện hàng loạt dự án bất động sản quy mô, bài bản và nơi đây cũng ghi nhận mức tăng giá nhà đất hấp dẫn.
Dân số là nền tảng phát triển của thị trường BĐS Cần Thơ
Hiện nay, thị trường nhà ở Cần Thơ đang có sự chuyển mình mạnh mẽ và tăng trưởng sôi động tạo triển vọng cho thị trường BĐS nơi đây. Yếu tố phát triển nền tảng chính là dân số, khi TP. Cần Thơ hiện có tổng số dân hơn 1,2 triệu người, chiếm tỉ lệ 7,19% dân số của cả vùng ĐBSCL.
Sau quyết định của UBND TP. Cần Thơ về việc phê duyệt chương trình phát triển nhà ở từ năm 2017 đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, hàng năm số nhà xây dựng mới khoảng 7.000 căn. Theo số liệu của Sở Xây Dựng cho thấy, tính đến tháng 05/2019, số căn hộ ước tính lên đến hơn 32.000 căn.
Bên cạnh đó, chính quyền thành phố Cần Thơ cũng đang điều chỉnh chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách phát triển nhà ở và thị trường BĐS trên địa bàn thành phố.
Ông Trần Văn Dũng, Phó Cục trưởng Cục thống kê TP. Cần Thơ cho biết: “Tôi kỳ vọng cùng với việc triển khai Nghị quyết số 59-NQ/TW, triển khai các dự án về kết cấu hạ tầng giao thông, khu công nghiệp thu hút các dự án đầu tư, dự án khu đô thị quy mô lớn sẽ thúc đẩy chương trình phát triển nhà ở của thành phố sớm đạt được các mục tiêu đề ra”.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho biết: “TP. Cần Thơ là đô thị loại I, là trung tâm của vùng ĐBSCL với dân số hơn 1,2 triệu người – là cơ sở quan trọng để thị trường bất động sản phát triển. Diện tích nhà ở bình quân đầu người của Cần Thơ là 22,2m2/ người, thấp hơn bình quân đầu người cả nước. Vì vậy thị trường bất động sản, nhà ở còn nhiều dư địa để phát triển”.
Có thể nói, Cần Thơ nói chung và Bình Thuỷ nói riêng là điểm hút tiềm năng đầu tư lớn về tăng trưởng bất động sản, nhất là khi hệ thống các công trình giao thông liên vận nối TP.HCM – Cần Thơ và các tỉnh Tây Nam Bộ đi vào hoạt động.
Nguồn Batdongsan.com.vn