404: Not Found Cần Thơ có tuyến đường sắt 10 tỉ USD và tuyến cao tốc nghìn tỷ được đưa vào sử dụng - HIỆP HỘI BẤT ĐỘNG SẢN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Cần Thơ có tuyến đường sắt 10 tỉ USD và tuyến cao tốc nghìn tỷ được đưa vào sử dụng

Là công trình giao thông quan trọng, lại cửa ngõ giao thương của thành phố Cần Thơ với An Giang, Kiên Giang, cao tốc Lộ Tẻ – Rạch Sỏi thông xe vào đầu năm mới tạo tiền đề phát triển trong thời gian tới. Đồng thời, tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh – Cần Thơ cũng đang trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để tiến hành đề xuất thi công.

Tuyến đường sắt 10 tỉ USD nối TP. Hồ Chí Minh – Cần Thơ 

Với vị trí trung tâm vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, Cần Thơ vừa là đầu tàu kinh tế, vừa đóng vai trò quan trọng trong kết nối vùng, thời gian qua được Nhà nước đặc biệt quan tâm ở các công trình giao thông để hướng đến sự đồng bộ trong mạng lưới khu vực. Giờ đây việc kết nối, vận chuyển hàng hóa, hay chọn đặt làm nhà xưởng, trụ sở… Cần Thơ là một lựa chọn sáng giá với nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư, bởi sự thuận tiện của hệ thống đường bộ, đường thủy, đường hàng không và sắp tới đây là tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh – Cần Thơ.

Theo đó, Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án đường sắt chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt TP. Hồ Chí Minh – Cần Thơ trong thời gian từ năm 2021 đến năm 2022.

Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường loại hình vận tải bằng đường sắt để kết nối TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Theo quyết định của Bộ GTVT ngày 27.8.2013 phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường sắt TP. Hồ Chí Minh – Cần Thơ, tổng chiều dài toàn tuyến là 173,677 km với 14 ga, bắt đầu từ ga lập tàu An Bình (Bình Dương) đến Cần Thơ đi theo hướng tuyến dài nhằm tiếp cận các đô thị, thị xã hiện hữu của TP. Hồ Chí Minh và 4 tỉnh miền Tây. Tổng vốn đầu tư xây dựng khoảng 10 tỉ USD. Tuyến được thiết kế đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, là khổ hiện đại dành cho đường sắt cao tốc phổ biến trên thế giới, tốc độ dưới 200km/giờ cho tàu hàng và trên 200 km/giờ cho tàu khách. Dự án sau khi được thực hiện sẽ kết nối trung tâm kinh tế trọng điểm phía nam với thủ phủ của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, rút ngắn thời gian di chuyển xuống còn 45 phút.

Cao tốc Lộ Tẻ – Rạch Sỏi – cửa ngỏ TP Cần Thơ

Ngày 12.1.2021 vừa qua, tuyến cao tốc Lộ Tẻ – Rạch Sỏi xuyên miền Tây đã Khánh thành, chính thức đưa vào sử dụng sau 4 năm (kể từ 2016) thi công, thay đổi từ 2 làn xe lên 4 làn xe, đến nay đã hoàn thành, đảm bảo kỹ thuật vận hành. Cao tốc Lộ Tẻ – Rạch Sỏi dài hơn 51 km, rộng 17 m, bốn làn xe, vận tốc 80 km/h thông xe chiều 12/1, giúp rút ngắn thời gian từ Cần Thơ đi Kiên Giang có điểm đầu kết nối cầu Vàm Cống (Cần Thơ), điểm cuối nối với tuyến tránh TP. Rạch Giá (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang). Dự án khởi công năm 2016, tổng đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng, trong đó vốn vay Hàn Quốc hơn 4.500 tỷ (200 triệu USD), còn lại là vốn đối ứng ngân sách.

Tuyến cao tốc Lộ Tẻ Rạch Sỏi xuyên miền Tây

Việc đưa tuyến đường bộ Lộ Tẻ-Rạch Sỏi vào khai thác dịp đầu năm mới 2021 kịp thời giúp các doanh nghiệp vận tải vận chuyển hành khách, hàng hoá trên tuyến và tạo điều kiện cho người dân các tỉnh An Giang, Kiên Giang lưu thông thuận tiện hai chiều. 

Trong tương lai, tuyến đường này kết nối khu vực phía Tây đồng bằng sông Cửu Long, tạo thành trục song song với QL1, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của các địa phương có dự án đi qua nói riêng, các tỉnh khu vực đồng bằng sông Mê Kông, vùng Tứ Giác Long Xuyên nói chung.

Cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ

Bên cạnh cơ sở hạ tầng hiện hữu thì Cần Thơ còn có nhiều dự án hạ tầng giao thông đang được triển khai và sắp đi vào hoạt động như cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ. 

Dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ 23 km, hơn 4.800 tỷ đồng là một đoạn trong tuyến cao tốc Bắc – Nam phía đông, nối dài từ Hà Nội đến Cần Thơ dài 1.814km, dự kiến tháng 10 khởi công và thông tuyến cuối năm sau. Trong đó:

Đoạn cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh về Cần Thơ dài khoảng 123km đến nay đã hoàn thành đoạn từ TP. Hồ Chí Minh đến Trung Lương (TP. Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang) dài 40km (đã đưa vào sử dụng năm 2010).

Đoạn từ Trung Lương đến Mỹ Thuận (Tiền Giang) dài khoảng 54km dự kiến hoàn thành trong năm 2021. Dự án cầu Mỹ Thuận 2 có tổng chiều dài khoảng 6,6km, dự kiến hoàn thành trong năm 2023.

Dự án sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2022, đưa vào khai thác toàn bộ dự án giai đoạn 1 trong năm 2023. Như vậy, đến năm 2023 tuyến cao tốc Bắc – Nam phía đông đoạn từ TP. Hồ Chí Minh về Cần Thơ sẽ hoàn thành kết nối dài khoảng hơn 120km.

Tuyến đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ là một trong những tuyến đường huyết mạch kết nối các địa bàn trọng điểm thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là dự án được nhân dân và chính quyền các địa phương thực sự quan tâm, mong mỏi hình thành kết nối đường cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh về Cần Thơ.

Có thể thấy với sự phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông đô thị tại Cần Thơ đã làm gia tăng giá trị BĐS của khu vực này. Theo chiều ngược lại thị trường BĐS đã và đang có những đóng góp rất lớn vào sự phát triển của thành phố Cần Thơ, giải quyết nhu cầu về nhà ở đa dạng cho cư dân và góp phần tạo nên diện mạo đô thị mới cho thành phố.