Bất động sản từ đầu năm đến nay trải qua nhiều cung bậc

Các chỉ số hồi phục quý 4 có thể không cao được như đợt cuối năm 2020, nhưng lạc quan tin vào thị trường vẫn sẽ hồi phục từ 30-50%

Ba quý 2021 có nhiều cung bậc

Kể từ đầu năm 2021, thị trường bất động sản (BĐS) có nhiều sắc thái, gam màu cảm xúc khác nhau. Giai đoạn tháng 3 – tháng 4 năm 2021, tại một số khu vực xuất hiện tình trạng sốt đất cục bộ, điển hình như khu vực ven Hà Nội, và ven TPHCM. Nguyên nhân xuất phát từ nguồn cung khan hiếm, mà lực cầu tăng cao, một số nhà đầu tư thứ cấp đã tranh thủ thị trường thiếu nguồn cung để đầu cơ tích trữ tài sản, đẩy giá lên cao.

Tuy nhiên ngay sau đó các cơ quan ban ngành đã vào cuộc để “dập tắt” tình trạng đầu cơ sốt đất, giữ tính minh bạch ổn định cho thị trường. Đến hết quý 2 năm 2021, thị trường đã cân bằng trở lại, nguồn cung bất động sản cả nước khoảng 130.000 sản phẩm; hoạt động giao dịch với những con số ấn tượng, giao dịch thành công đạt gần 50.000 sản phẩm, trong đó ĐBSCL có khoảng hơn 4.000 sản phẩm được chào bán, tỉ lệ giao dịch khoảng 62%, trong đó phân khúc nhà liền kề, đất nền có giao dịch cao nhất. Về mức giá sản phẩm căn hộ tại Hà Nội và TPHCM ghi nhận tăng khoảng 5-7% và đa phần là sản phẩm tồn từ giai đoạn trước đó. Tỉ lệ hấp thụ đạt trên 60%, con số mà trong bối cảnh bình thường cũng phải mơ ước, cho thấy dấu hiệu rất quan tâm thị trường của các nhà đầu tư.

Điều này cho thấy lực hấp thụ vừa qua vẫn rất khỏe, hiện tượng sốt đất cũng là một chứng minh cho lực cầu của thị trường quá mạnh, từ đó những người cơ hội lợi dụng làm xáo trộn trật tự thị trường.

Các chỉ số kinh tế của cả nước tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm như GDP đạt 5,64%; thu hút FDI đạt 14 tỷ USD, tổng vốn FDI thực hiện 9,24 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 316,73 tỉ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó là chỉ đạo của chính phủ trong việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine trên cả nước, và nhiều tỉnh thành thuộc “vùng xanh” đã quay trở lại cuộc sống bình thường. Đó là những tín hiệu cho thấy nền kinh tế sẽ sớm hồi phục và thị trường bất động sản cũng sẽ đón nhận dấu hiệu khởi sắc trong giai đoạn cuối năm 2021 và 2022 gắn liền với sự phục hồi của nền kinh tế.

Các chuyên gia nói gì?

Tại talkshow “Nhận diện lực đẩy thị trường BĐS Tây Nam bộ cuối năm 2021” với sự góp mặt của Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam, ông Dương Quốc Thủy – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Cần Thơ và đại diện doanh nghiệp bà Phùng Thị Phượng – Phó TGĐ Đất Xanh Miền Tây đã có nhìn nhận về thị trường 3 quý đầu năm và đánh giá lực hấp dẫn của Tây Nam bộ trong thời gian tới.

“Từ đây đến cuối năm sẽ có nhiều địa phương sẽ tháo gỡ các chỉ thị về việc giãn cách, tháo gỡ rào cản kinh tế, giải quyết đứt gãy, nối liền chuỗi cung ứng, trong đó có BĐS. Chính phủ cũng “tiếp sức” để các doanh nghiệp tăng thêm sức khỏe, bằng cách đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin. Thị trường sẽ ổn định trở lại, các doanh nghiệp sẽ hồi phục, Chính phủ bên cạnh phát triển kinh tế cũng đẩy mạnh các hoạt động đầu tư công” – ông Nguyễn Văn Đính đánh giá về tình hình quý 4.

“Các chỉ số hồi phục quý 4 có thể không cao được như đợt cuối năm 2020, nhưng lạc quan tin vào thị trường vẫn sẽ hồi phục từ 30-50%. Những vùng sẽ được Chính phủ làm xanh là những vùng có hoạt động kinh tế lớn tạo ra giá trị hàng hóa, có các gói đầu tư công, có các khu công nghiệp như Bắc Bộ, Trung Bộ, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ. Nhất là miền Tây đang có kế hoạch phát triển hạ tầng bằng đầu tư công đang diễn ra rất quyết liệt, trên cơ sở này sẽ kéo theo các chuỗi sản xuất, kéo theo việc làm, bình ổn xã hội trở lại. Xu hướng đầu tư sẽ chuyển sang những vùng xanh an toàn có nhiều các gói đầu tư công, có cầu cảng, giá cả còn phù hợp. Tây Nam bộ được đánh giá có nhiều lý do để tạo thành vùng trũng thu hút hoạt động của các nhà đầu tư tham gia.

Những vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ có xu hướng là do có gói đầu tư công mạnh, phát triển hệ thống hạ tầng đang đẩy nhanh, gần như thị trường sơ khai, kéo theo các khu công nghiệp phát triển lúc đó sẽ kéo theo thị trường BĐS, kéo theo việc xây dựng đô thị, dịch vụ, nhà ở đáp ứng cho lao động khu vực đó. Tây Nam bộ dư địa còn cao, giá cả còn rất hợp lý, nhiều nơi còn thấp dưới 10 triệu, những nơi có hạ tầng tốt thì khoảng 20 triệu.”

Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản cũng cho rằng, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 cùng cơn sốt vừa qua, 6 tháng đầu năm 2021, kinh doanh bất động sản vẫn là lĩnh vực có mức đăng ký thành lập mới tăng mạnh với 44,8%, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản là 831 doanh nghiệp, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2020.