Kết thúc quý I năm 2023, thị trường bất động sản (BĐS) đã đi qua giai đoạn trầm lắng cục bộ, doanh nghiệp BĐS rục rịch kế hoạch mở bán, nhà đầu tư có dần niềm tin vào thị trường, ghi nhận tín hiệu giao dịch ở một số khu vực và phân khúc khi vừa qua thị trường diễn ra loạt sự kiện đáng chú ý:
Nghị định 08/2023/NĐ-CP gỡ điểm nghẽn cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu
Trước áp lực đáo hạn trái phiếu với các doanh nghiệp BĐS, trong khi đó nhiều doanh nghiệp đã cạn vốn, không thực hiện được nghĩa vụ của mình. Ngày 6/3/2023 Nghị định số 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực, quy định các doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong trường hợp gặp khó khăn khi thanh toán gốc và lãi trái phiếu có thể sử dụng các tài sản hợp pháp của mình để đàm phán với các nhà đầu tư thanh toán bằng tài sản và gia hạn lên tối đa 2 năm.
Nghị định ban hành khiến doanh nghiệp tự tin, giảm bớt sự lo lắng và căng thẳng. Tạo động lực cho doanh nghiệp BĐS bình tĩnh trở lại, mặt khác cũng giúp các nhà đầu tư yên tâm chờ đợi doanh nghiệp để họ tiếp tục phát triển sản phẩm BĐS.
Nghị quyết 33/NQ-CP về việc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS
Ngày 11/3/2023 Chính phủ ban hành Nghị quyết 33/NQ-CP “về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững…”.
Trong đó, tháo gỡ các vướng mắc về quy định pháp luật và trình tự, thủ tục cũng như tổ chức triển khai thực hiện các dự án BĐS, nhất là liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, đấu giá…Đồng thời, tập trung cao độ tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đang triển khai để sớm hoàn thành, tạo nguồn cung cho thị trường. Thứ hai, Nghị quyết cũng tháo gỡ khó khăn về các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, quỹ đầu tư… khơi thông dòng vốn cho thị trường BĐS, góp phần tăng thanh khoản cho thị trường. Theo tinh thần Nghị quyết, hai nút thắt chính của thị trường BĐS là vướng mắc pháp lý và nghẽn dòng tiền được tháo gỡ.
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội
Điểm đáng chú ý Nghị quyết 33, Chính phủ giao NHNN phát triển gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để phát triển 1 triệu căn NƠXH, nhà ở công nhân. Chiều ngày 3/4, NHNN Việt Nam đã có văn bản gửi các NH thương mại, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố triển khai gói tín dụng này, với mức lãi suất thấp hơn 1,5-2% lãi suất vay trung – dài hạn bình quân hiện nay. Cụ thể, Lãi suất cho vay áp dụng đến hết ngày 30/6/2023 là 8,7%/năm đối với chủ đầu tư và 8,2%/năm đối với người mua nhà, nguồn vốn chủ lực từ 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank).
NHNN hạ lãi suất điều hành
Từ hôm 3/4, NHNN đã ban hành nghị quyết điều chỉnh một số mức lãi suất điều hành, nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, cụ thể (i) Giảm lãi suất tái cấp vốn từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm. (ii) Giảm lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng VN, đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ mức 1,0%/năm xuống 0,5%/năm; kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; riêng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm. (iii) Giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ giảm từ 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm.
Lãi suất huy động hạ nhiệt, kéo theo Lãi suất cho vay giảm
Theo đó các ngân hàng thương mại cũng đã giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2 – 0,5%/năm đối với kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng.
4 “ông lớn” gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank đều niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng chỉ có 4,9%/năm, các kỳ hạn 3 tháng đến dưới 6 tháng là 5,4%/năm, thấp hơn so với trần lãi suất. Lãi suất gửi cao nhất tại 4 ngân hàng này là 7,2%/năm cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
NHNN nhận định, việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các ngân hàng thương mại giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thương – Giám đốc kinh doanh một công ty BĐS tại khu vực miền Tây cho biết: “Nhà đầu tư đã quay lại quan tâm thị trường, hiện tại tuy giao dịch không thể nhiều bằng cùng kỳ năm trước nhưng vẫn thường xuyên có khách hàng đi xem dự án và nhu cầu mua ở thực vẫn cao, giai đoạn này khách hàng có thể mua được sản phẩm giá tốt với các chính sách ưu đãi hỗ trợ từ CĐT. Các dự án mà chúng tôi phân phối vẫn ghi nhận giao dịch như KDC Phước Thới, Stella Mega City tại TP. Cần Thơ; KDC Vạn Phát Sông Hậu, chung cư Tây Đô Plaza tại Hậu Giang; KDC ven sông Hoà Bình tại Bạc Liêu.
Khi thị trường đã được thanh lọc, không còn sự góp mặt của những người lướt sóng, theo đám đông; thị trường được khơi thông từ các chính sách của Chính phủ, tâm lý khách hàng đã quan tâm hơn, thị trường sẽ nhanh chóng được trở lại”.