Vùng ĐBSCL nói chung, thành phố Cần Thơ nói riêng những năm gần đây đón nhận dòng vốn đầu tư ở nhiều lĩnh vực như năng lượng, cảng biển, du lịch và bất động sản nhờ vào các gói đầu tư hạ tầng giao thông.
“Giao thông vận tải phải đi trước mở đường, là mạch máu của nền kinh tế. Giao thông vận tải phát triển đến đâu, kéo các ngành kinh tế phát triển theo” – Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhận xét. Giao thông là vấn đề “điểm nghẽn” của toàn vùng ĐBSCL, tuy nhiên, vấn đề đang dần được tháo gỡ và chắc chắn đến 2025 và 2030 sẽ cơ bản được khơi thông, nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ về với vùng nhiều hơn. Đến năm 2030, khu vực này sẽ đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường cao tốc, khoảng 4.000 km đường quốc lộ; 4 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.
Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn của TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm then chốt được thành phố quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tổ chức thực hiện. Các dự án giao thông quan trọng của thành phố đã được bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 từ các nguồn vốn trung ương hỗ trợ và vốn thành phố quản lý, đưa công trình vào khai thác sử dụng trong giai đoạn năm 2021-2025 có thể kể đến đường vành đai phía Tây TP Cần Thơ (nối quốc lộ 91 và quốc lộ 61C); đường kết nối quận Ô Môn với huyện Thới Lai, TP Cần Thơ với huyện Giồng Riềng tỉnh Kiên Giang; đường tỉnh 917; đường tỉnh 918; đường tỉnh 921; đường tỉnh 923, cầu Cờ Đỏ, cầu Tây Đô, cầu Kênh Ngang; đường Hẻm 91 (đoạn Long Tuyền đến đường vành đai phía Tây TP Cần Thơ), cải tạo, mở rộng 5 nút giao trọng điểm. UBND thành phố cũng giao các sở, ngành chủ động phối hợp, đẩy nhanh lộ trình triển khai thực hiện các dự án trọng điểm kết nối nội vùng và liên vùng như: Tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ – Cà Mau, các tuyến Sóc Trăng – Cần Thơ – Châu Đốc, Lộ Tẻ – Rạch Sỏi, cầu Mỹ Thuận 2 và cầu Cần Thơ gắn với phối hợp để xuất việc triển khai tuyến đường sắt kết nối TP Hồ Chí Minh với Cần Thơ và Cà Mau.
Các công trình giao thông quan trọng được thành phố triển khai trong giai đoạn 2021-2025 mang ý nghĩa đi trước, mở đường cho phát triển kết cấu hạ tầng, thu hút các nguồn lực đầu tư từ tư nhân.
Bên cạnh các công trình góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông cho thành phố, các dự án mang ý nghĩa kết nối liên vùng cũng hứa hẹn đưa Cần Thơ nâng tầm vị thế trung tâm vùng ĐBSCL. Mới đây, lãnh đạo thành phố cũng đã họp làm việc với Ban Quản lý dự án đường sắt về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ đi qua địa phận TP Cần Thơ.
Thông qua các tuyến cao tốc, tuyến đường thủy giúp cho việc đi lại thuận lợi hơn, phát triển hết tiềm năng lợi thế của vùng. Những dự án hạ tầng kết nối Cần Thơ và cả vùng Tây Nam Bộ đến vùng kinh tế TP.HCM và Đông Nam bộ, cụ thể sự kiện khánh thành cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận hồi cuối tháng 4 vừa qua một lần nữa đã tạo cú hích cho kinh tế – xã hội Tây Nam Bộ nói chung, cũng như thị trường bất động sản khu vực nói riêng. Trong 1 – 2 năm nữa sẽ khánh thành cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ đang triển khai quyết liệt. Với hệ thống cao tốc hiện đại kết nối liên vùng được triển khai quyết liệt như vậy sẽ đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế và các nhà đầu tư sẽ đến với Cần Thơ nhiều hơn.
Cùng với sự nâng tầm về cơ sở hạ tầng giao thông tăng cường liên kết vùng cả về đường bộ, đường thủy và đường hàng không, thì Cần Thơ quỹ đất vẫn còn dồi dào, mức giá thấp và biên độ tăng trưởng ổn định, nhất là chưa bị ảnh hưởng bởi sốt đất, đầu cơ thổi giá thì chắc chắn trong tương lai gần không chỉ nhà đầu tư trong vùng mà cả nhà đầu tư khu vực Đông Nam bộ, phía Bắc cũng sẽ quan tâm và chuyển hướng đầu tư về khu vực này.