Những cơ hội cho bất động sản Tây Nam bộ

Tại talkshow “Nhận diện lực đẩy thị trường bất động sản Tây Nam bộ cuối năm 2021” có sự tham dự của các diễn giả lâu năm trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) đã thảo luận sôi nổi về các vấn đề liên quan thị trường Tây Nam bộ, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Cần Thơ – ông Dương Quốc Thủy đã đưa ra 5 lý do cốt lõi về sự khởi sắc thời gian qua.

Đầu tiên phải kể đến nền tảng tăng trưởng kinh tế, ở khu vực ĐBSCL kinh tế tăng trưởng ổn định trong nhiều năm qua. Kể từ đợt dịch 2020 đến nay, với sự quyết liệt các cấp ban ngành đã đẩy lùi dịch bệnh, ổn định an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế. 6 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng GRDP toàn vùng đạt 4,6%, trong đó có 6/13 tỉnh có mức tăng trưởng GRDP cao hơn mức tăng bình quân của cả nước là Bạc Liêu (cao nhất BĐSCL), Bến Tre, Long An, Hậu Giang, An Giang, Cần Thơ.

Thứ 2, ĐBSCL liên tục đón nhận dòng vốn FDI trong những năm qua, nhất là từ 2020 đến 2021 là giai đoạn ĐBSCL đứng đầu cả nước về mặt quy mô vốn đầu tư vào các dự án chế biến chế tạo và năng lượng sạch. Lũy kế đến tháng 6 năm 2021, Long An là tỉnh có số dự án thu hút FDI nhiều nhất với 1.256 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 12 tỷ USD. Tiền Giang đứng vị trí thứ hai về số lượng dự án FDI với 129 dự án, với tổng vốn đầu tư là 2,7 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu xét về số vốn đăng ký bình quân trên dự án thì tỉnh Bạc Liêu có mức vốn đầu tư cao nhất vùng với 350 triệu USD/dự án, kế đến là Trà Vinh (79 triệu USD/dự án) và Kiên Giang (77 triệu USD/dự án).

Yếu tố quan trọng thứ 3 đó là cơ sở hạ tầng giao thông đang ngày càng hoàn thiện; tổng mức đầu tư hạ tầng giao thông ĐBSCL giai đoạn 2021-2030 khoảng 150.000 tỷ đồng cho các tuyến cao tốc trục dọc, ngang liên vùng, kết nối miền Tây tới vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là TP. HCM và vùng Đông Nam bộ. Nổi bật phải kể đến tuyến cao tốc phía Đông: TPHCM – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ – Cà Mau và tuyến cao tốc phía Tây (tuyến N2 đường Hồ Chí Minh) Chơn Thành – Đức Hòa – Mỹ An – Cao Lãnh – Lộ Tẻ – Rạch Sỏi kết nối các tỉnh Bình Phước – TPHCM – Long An – Đồng Tháp – Cần Thơ – Kiên Giang. Bên cạnh đó là 2 tuyến cao tốc trục ngang quan trọng gồm tuyến: Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng (155km, tổng mức đầu tư 30.000 tỷ đồng, thời gian dự kiến triển khai 2023-2026) và Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu (225 km, tổng mức đầu trên 33.250 tỷ đồng, khởi công năm 2024 và đưa vào khai thác năm 2026).

Các dự án cảng biển quy mô lớn phải kể đến Cảng Trần Đề – Sóc Trăng quy mô 50.000 tỷ đồng và Cảng Hòn Khoai – Cà Mau vốn 5 tỷ USD. Bên cạnh đó dự án đường sắt cao tốc TPHCM-Cần Thơ đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi và nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.

Đường hàng không mở thêm các đường bay ở các sân bay quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc, Cà Mau sẽ thúc đẩy được du lịch và thu hút đầu tư. Một dự án lớn về logistics và công nghiệp hàng không vừa được đề xuất tại Cần Thơ với quy mô 1650ha.

Thứ 4, đó là lợi thế của vùng ĐBSCL quỹ đất lớn, dư địa phát triển lớn sẽ hấp dẫn các chủ đầu tư lớn về phát triển các dự án nhà ở tại khu vực, đặc biệt là các khu đô thị trung tâm và các dự án nhà ở liền kề khu công nghiệp. Thời gian qua đã thu hút một số tập đoàn lớn như Sovico, T&T về tham gia với những dự án quỹ đất lớn.

Thứ 5 đó chính là nguồn cung dồi dào, mức giá bình quân thấp, chính là lợi thế cạnh tranh của bất động sản ĐBSCL so với các khu vực khác. Ở 6 tháng đầu năm, nguồn cung cho thị trường ĐBSCL có khoảng 4.000 sản phẩm, tỉ lệ hấp thụ 2.500 sản phẩm (chiếm khoảng 62%) cho thấy tính thanh khoản và lực hấp thụ tương đối tốt.