404: Not Found Bất động sản Tây Nam Bộ: Cơ hội khai phá thị trường ngách - HIỆP HỘI BẤT ĐỘNG SẢN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Bất động sản Tây Nam Bộ: Cơ hội khai phá thị trường ngách

Hiện nay, thị trường bất động sản Tây Nam Bộ đang nổi lên như một “viên ngọc sáng”, thu hút sự quan tâm của giới đầu tư nhờ tiềm năng tăng trưởng ổn định, bền vững, chưa bị ảnh hưởng bởi “sốt đất”.
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Cần Thơ Dương Quốc Thủy đã đưa ra nhiều con số tăng trưởng tích cực của thị trường địa ốc Tây Nam Bộ trong 4 tháng đầu năm 2022. Vùng đất này đang được Nhà nước ưu tiên phát triển và nâng cấp cơ sở hạ tầng nên có rất  nhiều nội lực để phát triển bất động sản trong thời gian tới.

Ông Thủy dự báo, sản phẩm căn hộ cao cấp sẽ là xu hướng trong 5 năm tới ở Tây Nam Bộ. Đặc biệt, với hệ sinh thái sông nước đặc trưng, cảnh quan thiên nhiên đẹp, khu vực này đang có lợi thế cạnh tranh lớn trong việc phát triển các sản phẩm bất động sản sinh thái gắn liền với gìn giữ bản sắc văn hóa.

Nhìn lại 4 tháng đầu năm 2022 vừa qua, ông có nhận xét gì về thị trường bất động sản Tây Nam Bộ?
Trải qua 4 tháng đầu năm 2022, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế vĩ mô (GDP Quý I tăng 5,03%), các tỉnh ở khu vực Tây Nam Bộ cũng lấy lại được đà tăng trưởng, thể hiện qua các chỉ số kinh tế như: kim ngạch xuất khẩu thủy hải sản chiếm hơn 60% sản lượng nuôi trồng và xuất khẩu của cả nước; giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp ước tính tăng trên 7%, trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,8%, khu vực này có tỉnh Bạc Liêu nằm trong top 5 các tỉnh thành có tốc độ tăng IIP cao nhất cả nước.

Về du lịch, Tây Nam Bộ có tỉnh Kiên Giang đón gần 1,6 triệu du khách đến tham quan trong Quý I; Cần Thơ kích cầu du lịch thông qua một loạt sự kiện lớn thu hút hàng ngàn du khách; Bạc Liêu tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch năm 2022 Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.
Về việc thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, cảng biển, khu vực có tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2022, qua đó thu hút hơn 200.000 tỷ đồng ở nhiều lĩnh vực đặc biệt là năng lượng và cảng biển. Đặc biệt, sự kiện khánh thành cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận hồi cuối tháng 4 vừa qua một lần nữa đã tạo cú hích cho kinh tế xã hội Tây Nam Bộ nói chung, cũng như thị trường bất động sản khu vực nói riêng.

Với đà phục hồi kinh tế, xu hướng đầu tư vào bất động sản Tây Nam Bộ đang tăng nhanh. Bởi lẽ, khu vực này có mức giá nhà đất còn thấp, chưa bị ảnh hưởng bởi sốt đất, đầu cơ thổi giá. Mặt khác, khu vực này còn đang đón nhận dòng vốn đầu tư ở nhiều lĩnh vực đặc biệt là lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng giao thông.
Mức giá thấp, biên độ tăng ổn định, đa dạng phân khúc sản phẩm chính là những lợi thế cạnh tranh của thị trường bất động sản Tây Nam Bộ so với những khu vực khác. Đặc biệt trong bối cảnh TP. Hồ Chí Minh quỹ đất đã cạn kiệt, mức giá quá cao, một số thị trường lớn như Hà Nội thời gian qua cũng diễn ra tình trạng sốt đất khiến mức giá bị đẩy lên cao, chắc chắn trong tương lai vùng đất này sẽ là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư cả nước vì có mức giá ổn định, chưa bị ảnh hưởng bởi sốt đất.

Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng tăng trưởng của thị trường bất động sản Tây Nam Bộ hiện nay và trong thời gian sắp tới?
Thị trường bất động sản Tây Nam Bộ đang có rất nhiều nội lực để phát triển. Hiện tại, vùng đất này đang nhận được sự quan tâm của Chính phủ trong việc quy hoạch phát triển.
Ngày 28/2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch vùng Tây Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, khu vực này sẽ trở thành vùng có tốc độ phát triển khá so với cả nước, là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư và là nơi đáng sống của người dân.

Hay như mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của vùng cho đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bộ đã ra chỉ đạo bằng mọi giải pháp phải thúc đẩy Tây Nam Bộ “đứng dậy” và vươn lên mạnh mẽ.
Ngoài ra, Tây Nam Bộ có hệ thống giao thông phát triển đồng bộ, tính kết nối cao. Đến năm 2030, khu vực này sẽ đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường cao tốc, khoảng 4.000 km đường quốc lộ; 4 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.
Bộ Giao thông và Vận tải cho biết, đã hoàn thành 5 quy hoạch chuyên ngành, phát triển giao thông kết nối từ Tây Nam Bộ đến TP.HCM thông qua các tuyến cao tốc, tuyến đường thủy giúp cho việc đi lại thuận lợi hơn, phát triển hết tiềm năng lợi thế của vùng. Cụ thể đã chính thức đưa vào hoạt động cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, 1 – 2 năm nữa sẽ khánh thành cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ đang triển khai quyết liệt. Hiện nay Bộ đang triển khai 3 cao tốc lớn và rất quan trọng là: Cần Thơ – Cà Mau, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, hoàn chỉnh đường cao tốc từ An Hữu qua Cao Lãnh về Rạch Giá. Trong nhiệm kỳ này, nếu quyết tâm cao, phối hợp tốt sẽ hoàn thành được khoảng 448 km đường cao tốc. 
Và với hệ thống cao tốc hiện đại kết nối liên vùng được triển khai quyết liệt như vậy sẽ đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế và các nhà đầu tư sẽ đến với Tây Nam Bộ nhiều hơn. Khi Tây Nam Bộ trở thành “nơi đáng sống và nơi đáng đến”, thì cũng là thời điểm vàng của thị trường bất động khu vực này.

Bên cạnh những tiềm năng tăng trưởng vừa phân tích ở trên, thị trường bất động sản Tây Nam Bộ đang gặp phải những khó khăn, vướng mắc nào, thưa ông?
Khó khăn trở ngại của thị trường bất động sản Tây Nam Bộ chính là cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều điểm nghẽn. Như tôi đã phân tích ở trên, điểm nghẽn này đang dần được tháo gỡ và chắc chắn đến 2025 và 2030 sẽ cơ bản được khơi thông, nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ về với vùng nhiều hơn.
Hiện nay, thị trường khu vực chưa thực sự tạo được sức hấp dẫn đặc biệt đối với nhà đầu tư các tỉnh, nhưng với sự nâng tầm về cơ sở hạ tầng giao thông tăng cường liên kết vùng cả về đường bộ, đường thủy và đường hàng không thì chắc chắn trong tương lai gần không chỉ nhà đầu tư trong vùng mà cả nhà đầu tư khu vực phía Bắc cũng sẽ quan tâm và chuyển hướng đầu tư về khu vực này.

Những khó khăn vướng mắc về cơ sở hạ tầng giao thông, thể chế chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện thì chắc chắn Tây Nam Bộ sẽ phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế và đúng với kỳ vọng của Chính phủ. Theo đó kinh tế – xã hội phát triển, đô thị hóa phát triển thì chất lượng sống người dân cũng nâng cao, thu hút và hình thành các cộng đồng cư dân thịnh vượng, thị trường bất động sản cũng sẽ nhiều dư địa để phát triển.
Theo quy hoạch vùng Tây Nam Bộ đến năm 2030 xác định, các tỉnh thành trong khu vực sẽ trở thành động lực tăng cường kết nối thông thương nội vùng và giữa vùng với TP. Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ và cả nước. Đây là cơ hội cho vùng nâng cao chất lượng sống của người dân. Theo đó cơ hội cho các chủ đầu tư về phát triển các dự án bất động sản đáp ứng nhu cầu ở cho cư dân cũng rất dồi dào.

Người ta thường nói trong khó khăn luôn có cơ hội, vậy thị trường bất động sản Tây Nam Bộ đang có những cơ hội nào dành cho những nhà đầu tư bất động sản, thưa ông?
Cơ hội dành cho nhà đầu tư tại Tây Nam Bộ vô cùng rộng mở:
Thứ nhất, khu vực chưa có quá nhiều các doanh nghiệp lớn về khai thác thì dư địa cho các chủ đầu tư về phát triển dự án còn rất lớn. Quỹ đất rộng và mức giá thấp, lực lượng lao động dồi dào và chi phí nhân công rẻ hơn một số khu vực khác cũng sẽ thuận lợi cho nhà đầu tư trong công tác xây dựng phát triển dự án.

Thứ hai là cơ hội khai phá thị trường ngách. Nếu như ở TP. Hồ Chí Minh khách hàng rất ưa chuộng sản phẩm căn hộ, ở Tây Nam Bộ chưa có nhiều dự án thì đây cũng chính là xu hướng trong tương lai. Xu hướng cho các chủ đầu tư phát triển dự án và cả xu hướng sở hữu nhà ở trong tương lai của nhóm đối tượng khách hàng trẻ. Mặt khác, với hệ sinh thái sông nước đặc trưng, cảnh quan thiên nhiên đẹp, Tây Nam Bộ cũng rất có lợi thế cạnh tranh trong việc phát triển các sản phẩm bất động sản sinh thái gắn liền với gìn giữ bản sắc văn hóa. Nhà đầu tư tiên phong phát triển những dòng sản phẩm cạnh tranh cao thì cơ hội thành công cũng cao hơn.
Còn đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ, khi đến với một vùng đất còn khá sơ khai, nhiều sản phẩm giá rẻ, đang đón nhận các dự án vĩ mô về cơ sở hạ tầng giao thông: cao tốc, cảng biển, cảng hàng không…, cơ hội “thắng” của họ cũng sẽ cao hơn. 
Thứ ba, tại một thị trường ít biến động, chưa bị sốt ảo, thổi giá thì nhà đầu tư cũng ít rủi ro hơn, có cơ hội sở hữu những sản phẩm chất lượng tốt và giá hợp lý. 

Thứ tư, trong bối cảnh lạm phát và các kênh đầu tư biến động mạnh như hiện nay (nhất là chứng khoán, bitcoin), nhà đầu tư có xu hướng chuyển dòng vốn sang bất động sản. Nhưng câu chuyện đầu tư sẽ theo hướng lâu dài, bền vững, khó lướt sóng trong ngắn hạn. Thị trường thanh lọc càng mạnh thì nhà đầu tư lại càng có cơ hội sàng lọc các đơn vị chủ đầu tư cũng như sàn phân phối uy tín, đủ năng lực phát triển dự án để trao gửi dòng vốn của mình, điều này sẽ giúp thị trường minh bạch, lành mạnh hơn.
Và cuối cùng, trong khi thị trường hạn chế được tình trạng đầu cơ lướt sóng, thì cơ hội cho những người có nhu cầu mua ở thực sẽ sở hữu được sản phẩm chất lượng tốt và giá cả phù hợp.

Ông có dự báo gì về triển vọng tăng trưởng cho mỗi phân khúc bất động sản ở Tây Nam Bộ? Nhà đầu tư nên nhắm vào phân khúc nào để sinh lời?
Các phân khúc bất động sản tại khu vực Tây Nam Bộ hiện nay khá đa dạng, và mỗi dòng sản phẩm đều có tiềm năng phát triển riêng. 
Về phân khúc bất động sản công nghiệp, Long An là điểm sáng của vùng vì có vị trí giáp TP. Hồ Chí Minh, giao thông thuận lợi và cũng là tỉnh tập trung nhiều nhất các khu và cụm công nghiệp. Một số khu công nghiệp cho thuê hiệu quả như: khu công nghiệp Hải Sơn mở rộng, khu công nghiệp Đức Hòa 1, khu Công Nghiệp Tân Đức, khu công nghiệp Xuyên Á,… mức giá cho thuê nếu so với TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương thì khá cạnh tranh (từ 55 USD đến 90 USD/m2/chu kỳ thuê). 

Ngoài ra hiện nay một số tỉnh thành cũng đẩy mạnh quy hoạch đầu tư khu công nghiệp như Vĩnh Long, Hậu Giang, Đồng Tháp… với nhiều chính sách ưu đãi đầu tư như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong vòng 09 năm tiếp theo; được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong vòng 15 năm… Các chính sách thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp sẽ thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Theo đó không chỉ bất động sản công nghiệp có tiềm năng phát triển mà các loại hình phụ trợ trong đó có lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp cũng sẽ được chú trọng đầu tư tại các tỉnh thành này.

Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại Phú Quốc đã phục hồi kể từ khi mở cửa du lịch trở lại, tuy nhiên sản phẩm này chỉ phù hợp với những nhà đầu tư có tài chính, muốn sở hữu ngôi nhà thứ 2 để phục vụ nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng hoặc đầu tư lâu dài. Tuy nhiên với sự tăng trưởng nhanh của tầng lớp trung lưu và thượng lưu ở Việt Nam, cùng với việc đẩy mạnh quy hoạch các đô thị chức năng chuyên ngành gắn liền với kinh tế biển và du lịch, thì tiềm năng của phân khúc này trong tương lai cũng rất lớn.
Một phân khúc đang và sẽ nở rộ tại các tỉnh Tây Nam Bộ, đáng chú ý phải kể đến sản phẩm căn hộ chung cư, điển hình tại TP Cần Thơ một hai năm trở lại đây rất hút dòng sản phẩm này, dự án nào ra mắt cũng hết hàng. Tiếp theo không chỉ tại Cần Thơ mà một số đô thị loại I như Long Xuyên, Mỹ Tho cũng sẽ phát triển loại hình này cùng với tiến trình đô thị hóa và sức hút nhà đầu tư cũng như lực lượng lao động chất lượng cao về làm việc.

Trong vòng 5 năm tới thì sản phẩm này chắc chắn sẽ bùng nổ tại Tây Nam Bộ. Những dự án được đầu tư chất lượng cao cấp, giá bán hợp lý chắc chắn sẽ được thị trường đón nhận, vì đáp ứng được nhu cầu sở hữu nhà ở ngày càng cao tại các tỉnh thành ở khu vực này.
Ngoài ra, một số dự án khu đô thị hiện đại nhiều tiện ích độc đáo được phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín cũng sẽ được nhà đầu tư quan tâm. 

Nguồn dothi.reatimes.vn

Trả lời