404: Not Found Sự phát triển các hiệp hội là xu thế tất yếu của hội nhập kinh tế thế giới - HIỆP HỘI BẤT ĐỘNG SẢN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Sự phát triển các hiệp hội là xu thế tất yếu của hội nhập kinh tế thế giới

Trong quá trình hội nhập quốc tế, các hiệp hội thể hiện đầy đủ vai trò của mình trong việc cung cấp thông tin về pháp luật, thị trường, dịch vụ kinh doanh, hỗ trợ xúc tiến thương mại, giải quyết tranh chấp, là chỗ dựa, là nơi phản ánh hơi thở của doanh nghiệp.

Kinh nghiệm từ Nhật Bản

Một trong các cam kết quan trọng khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là Nhà nước sẽ không can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vì thế vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp càng được nâng cao. Điều này đã được thể hiện qua việc đa số các trường hợp tranh chấp, dàn xếp trong thương mại quốc tế là do các hiệp hội đứng ra thực hiện cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ. Và sự phát triển của các hiệp hội là xu thế tất yếu của hội nhập.

Cùng tìm hiểu kinh nghiệm từ Nhật Bản – nơi các hiệp hội ngành nghề có cơ cấu tổ chức khá hoàn chỉnh và trở thành một tổ chức quan trọng không thể thiếu trong nền kinh tế xã hội của đất nước mặt trời mọc. Theo tài liệu của cơ quan nghiên cứu hiệp hội ngành, hiện nay, Nhật Bản có khoảng hơn 2.000 hiệp hội ngành và hội liên hiệp và các tổ chức nhỏ khác. Tổng cộng, Nhật Bản có tất cả hơn 53.000 hiệp hội các loại, phân bố trong 32 ngành công nghiệp.

Các hiệp hội ở Nhật Bản là những tổ chức xã hội có tư cách pháp nhân, là tổ chức xã hội của một ngành, hoạt động vì lợi ích của ngành là chủ yếu. Các hiệp hội trong ngành công nghiệp của Nhật Bản chủ yếu do các doanh nghiệp nòng cốt có giá trị tổng sản lượng sản phẩm chiếm trên 90% giá trị tổng sản lượng của ngành đứng ra thành lập. Những người lãnh đạo của những hiệp hội này đều là những người có uy tín cao, có sức quy tụ, giàu kinh nghiệm hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực nghề nghiệp của Hiệp hội. Bên cạnh đó, kêu gọi sự tham gia dưới nhiều hình thức của các cán bộ các cơ quan Chính phủ sẽ tạo lợi thế cho hiệp hội và có sự hỗ trợ hội viên một cách hiệu quả nhất.

Kinh phí của các hiệp hội do các doanh nghiệp đóng góp. Ngoài ra còn có những trường hợp đặc biệt được Chính phủ cung cấp một phần kinh phí cho một số hạng mục. Còn lại, toàn bộ nguồn kinh phí của các hiệp hội đều dựa vào hội phí của các hội viên. Các đơn vị tham gia hiệp hội nhưng không phải là hội viên chính thức thì phải đóng hội phí cao hơn các hội viên chính thức. Các hội viên chính thức có quyền xem xét các dự toán và quyết toán kinh phí của hiệp hội.

Các hiệp hội ở Nhật Bản cũng áp dụng chế độ đại hội toàn thể hội viên. Trong đại hội này, các hội viên của hiệp hội có quyền nêu ra những yêu cầu trong mọi lĩnh vực công tác của hiệp hội, đồng thời được quyền biểu quyết đối với kế hoạch hoạt động của hiệp hội. Các hiệp hội trong ngành công nghiệp Nhật Bản có nguồn thông tin kinh tế kỹ thuật và các thành tựu mới nhất của ngành, hiệp hội giao lưu với các ngành công nghiệp nước ngoài khác để thu được các thông tin tình báo kinh tế, kỹ thuật của ngành đó mà các doanh nghiệp trong nước đang có nhu cầu.

Hiệp hội là tổ chức đại diện cho lợi ích của các doanh nghiệp trong sự phối hợp và hợp tác với Chính phủ để tìm hiểu thông tin về chính sách kinh tế, tài chính, thuế và cho vay của Chính phủ nước đó. Các hiệp hội ở Nhật Bản đã cùng hiệp thương với cơ quan chủ quản và cơ quan tổng hợp của Chính phủ để xây dựng các chính sách công nghiệp của các ngành. Cơ chế này đã giúp các giới công nghiệp Nhật Bản thông qua hiệp hội để hiệp thương với Chính phủ về trách nhiệm và nghĩa vụ của hiệp hội và của Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu theo kế hoạch.

Đặc biệt, Nhà nước còn có những chính sách ưu đãi thuế nhất định. Nhưng các hiệp hội đều phải tuân thủ nguyên tắc lấy phục vụ là trung tâm, phi lợi nhuận là mục đích. Để duy trì lợi ích của mình, các doanh nghiệp cũng tự nguyện phục tùng sự chỉ đạo và hiệp đồng của hiệp hội. Các hiệp hội đã triển khai các hoạt động độc lập, phát huy được tác dụng quan trọng trong mối quan hệ hiệp đồng của chính phủ với các ngành trong nền kinh tế thị trường.

Quang cảnh một buổi họp của Hiệp hội BĐS Việt Nam.

Hiệp hội là chỗ dựa, là nơi phản ánh hơi thở của doanh nghiệp

Hiện nay, các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam hiện hoạt động dưới các tên gọi khác nhau, như Hội, Hiệp hội, Liên đoàn, Liên minh, Đoàn, Hội liên hiệp… như: Hiệp Hội Du Lịch Việt Nam, Hiệp hội BĐS Việt Nam, Hiệp hội Cao Su Việt Nam, Hiệp Hội Thép Việt Nam, Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam,…

Theo pháp luật hiện hành, Hiệp hội các doanh nghiệp là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp của các doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng (tài khoản tiền Việt Nam và ngoại tệ) tại ngân hàng; tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm, tự trang trải về tài chính phù hợp quy định pháp luật Việt Nam và điều lệ Hiệp hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, các hiệp hội doanh nghiệp thể hiện đầy đủ vai trò của mình trong việc cung cấp thông tin về pháp luật, thị trường, cung cấp dịch vụ kinh doanh, hỗ trợ xúc tiến thương mại, giải quyết tranh chấp…

Các hiệp hội đều đã có các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Mối quan hệ giữa các hiệp hội và doanh nghiệp cần có sự gắn kết và tương tác cần thiết.

Xây dựng phòng ban pháp chế vững mạnh, là xu hướng tất yếu của các tổ chức đặc biệt là các hiệp hội nghề nghiệp ở quốc gia phát triển. Các nước này có dịch vụ tư vấn pháp luật, bảo vệ quyền lợi của hội viên là một trong những hoạt động nổi bật của các hiệp hội, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ doanh nghiệp khi xảy ra các tranh chấp, khởi kiện. Khi hội viên gặp các vấn đề về pháp lý hoặc yêu cầu hỗ trợ pháp lý từ phía hiệp hội, hội có thể giải quyết được hoặc nếu cần tham vấn ý kiến của luật sư hoặc xin hỗ trợ của cơ quan nhà nước.

VNREA hợp tác với nhiều Hiệp hội nghề nghiệp quốc tế. Trong ảnh: VNREA tham gia Liên minh các Hiệp hội BĐS ASEAN.

Trong vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích cho các doanh nghiệp trong nước, mỗi hiệp hội luôn xây dựng cho mình chiến lược phát triển có tầm nhìn dài hạn, phù hợp bối cảnh. Đặc biệt, có trách nhiệm trong việc liên kết, lôi kéo sự lan tỏa về vốn, công nghệ, quản trị doanh nghiệp từ trong và ngoài nước. Cùng với đó, các hiệp hội cùng với Nhà nước và doanh nghiệp cần có các hoạt động cụ thể, xây dựng mối liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị toàn cầu và nâng giá trị gia tăng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Thông qua hoạt động đối thoại chính quyền – doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đã trao đổi, kiến nghị với chính quyền các cấp về chính sách, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Qua đó, chính sách ngày càng được cải thiện theo hướng phù hợp và được thực thi hiệu quả.

Trong quá trình xây dựng pháp luật, vai trò của các hiệp hội nghề nghiệp trở nên vô cùng quan trọng, với mạng lưới của mình, các hiệp hội cũng đã tích cực tổ chức lấy ý kiến hội viên và tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các đạo luật liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với cơ quan lập pháp. Hoạt động này của các hiệp hội nghề nghiệp được đánh giá là điều kiện quan trọng để các văn bản pháp luật có thể được đi vào cuộc sống.

Các hiệp hội doanh nghiệp là điểm tựa và là nơi phản ảnh hơi thở của cộng đồng doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp – hội viên hoạt động chủ động, tự tin và hiệu quả hơn trong quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh và theo đuổi các mục tiêu của mỗi doanh nghiệp trong sự sự hài hòa với các lợi ích khác… Tuy nhiên để thu hút hội viên vào các hoạt động của hiệp hội luôn là thách thức đối với mọi Hiệp hội ở mọi quốc gia. Tùy thuộc vào trình độ phát triển của các doanh nhân, doanh nghiệp ở từng nước mà sự tham gia của họ vào các hiệp hội ở các mức độ khác nhau.

Thách thức ở đây được thể hiện ở: Thứ nhất là cơ chế luật pháp thế nào để hiệp hội thực sự thể hiện được vào trò của mình; Thứ hai là cách thức hoạt động, tổ chức bộ máy của các hiệp hội như thế nào để có hiệu quả, mang lại lợi ích cho hội viên và xã hội và đặc biệt là làm tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước; Sự quản lý của Nhà nước vào hoạt động, mô hình tổ chức bộ máy của Hiệp hội như thế nào là vừa phải để đảm bảo Hiệp hội phát huy thực chất vai trò của họ, mang lại lợi ích chung cho cộng đồng và và nhà nước; Thứ ba là trình độ phát triển của các doanh nhân, doanh nghiệp.

Khi họ ý thức được sự cần thiết và vai trò của hiệp hội, khi các doanh nghiệp ý thức được hiệp hội là của chính họ thì câu hỏi đặt ra không phải là “vào Hiệp hội ta được cái gì?” mà là “ta sẽ cùng cộng đồng làm cho hiệp hội có ích như thế nào với các hoạt động của doanh nghiệp, có ích như thế nào với cộng đồng cũng như có ích cho sự phát triển của quốc gia”. Khi đó, hiệp hội tất yếu mạnh và phát triển.

Như vậy, sự hình thành và phát triển của hiệp hội là một xu hướng tất yếu của hội nhập. Tại Việt Nam, để hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp đi vào chuyên nghiệp và hiệu quả, thiết nghĩ Nhà nước cần sớm ban hành luật về hội, tạo khung pháp lý mạnh để làm cơ sở để các hiệp hội điều chỉnh chiến lược, hoàn thiện quản trị và thực hiện đầy đủ hơn vai trò của mình trong quá trình phát triển của đất nước. Sự quan tâm đánh giá đúng mức của Nhà nước đối với vai trò cũng như các hoạt động của hiệp hội sẽ tạo điều kiện cho các hiệp hội phát triển.

Bên cạnh đó, việc cần nâng cao hiệu quả, tính chuyên nghiệp trong công tác hội, phát huy tốt công tác truyền thông của các hiệp hội để cộng đồng doanh nghiệp ngày càng nâng cao nhận thức về hoạt động, vai trò của hiệp hội cũng vô cùng quan trọng, làm cơ sở cho các hiệp hội có thể thực sự đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình./.

TS. Trần Ngọc Quang – Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam